Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Người dân Bình Thuận được hưởng lợi từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả

Ngày đăng: 21/10/2019

 

97,78% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh

Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra tỉnh Bình Thuận được thực hiện từ nguồn vốn Ngân hàng thế giới theo Hiệp định ký kết số 5739-VN ngày 10/3/2016 và được triển khai thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố. Bình Thuận là 1 trong 21 tỉnh trên cả nước được chọn tham gia Chương trình.

Chương trình có mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các tỉnh tham gia dự án. Chương trình gồm 3 hợp phần, gồm: Cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá dự án.

Thực hiện các mục tiêu của chương trình, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai các hoạt động tại địa bàn các xã tham gia chương trình. Trong đó, hoạt động truyền thông được chú trọng hàng đầu. Trong lĩnh vực y tế, nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức với các hình thức phong phú như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, vận động từng hộ gia đình, người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tập huấn cho thợ xây, cửa hàng tiện ích, cộng tác viên bán hàng về các loại nhà tiêu hợp vệ sinh; vẽ bản đồ vệ sinh thôn; tập huấn cho các trưởng thôn, cộng tác viên y tế, truyên truyền viên cấp xã về kỹ năng truyền thông nhà tiêu hợp vệ sinh và vệ sinh môi trường nông thôn… Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã tập trung vận động cộng đồng thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; sử dụng và bảo quản công trình nước và vệ sinh trong trường học; kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình tại trường học; theo dõi, đánh giá, báo cáo các hoạt động của Chương trình ở cấp trường.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Nông Nghiệp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và UBND các địa phương, đến nay, nhiều công trình nước sạch, công trình vệ sinh được cải tạo, xây mới; hàng nghìn hộ dân được sử dụng nước sạch; môi trường sống bớt ô nhiễm, sức khỏe cộng đồng được nâng lên.

Theo Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ người dân nông thôn ở Bình Thuận sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,78%, trong đó tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn QCVN02: 2009/BYT đạt 56,85% (2,9% so với năm 2017). Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 89,97% (tương ứng với hơn 261.000 hộ), tăng 2,2% so với năm 2017. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 619 trường học ở khu vực nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm tỷ lệ 78% số trường học). Toàn tỉnh có 89 trạm y tế khu vực nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, chiếm tỉ lệ 84 %;..

Ðáng chú ý, năm 2018, ngành Y tế đã hỗ trợ 312 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình. Bên cạnh đó, cùng với việc lồng ghép với các chương trình khác như: Chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ sở vật chất y tế, ngành Y tế đã hoàn thiện công trình nhà vệ sinh cho 4 trạm y tế xã. Nhờ vậy, Bình Thuận có 4/10 xã đạt chuẩn vệ sinh toàn xã gồm: Sông Phan (huyện Hàm Tân), Sông Lũy (huyện Bắc Bình), Đức Thuận và xã Suối Kiết (huyện Tánh Linh).

Xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình là một trong bốn xã đạt Vệ sinh toàn xã. Trước đây, do thói quen sinh hoạt và chưa nhận thức hết ý nghĩa, lợi ích của việc có nhà tiêu hợp vệ sinh nên người dân không quan tâm đến việc xây dựng và bảo quản, sử dụng nhà vệ sinh đúng cách. Được thụ hưởng từ chương trình, 27 hộ dân trên địa bàn toàn xã đã được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay, 5 công trình công cộng gồm 1 Trạm y tế và 4 trường học trên địa bàn xã đều có nước, nhà vệ sinh hợp vệ sinh và chỗ rửa tay có xà phòng. Ngoài ra, Sông Lũy còn đảm bảo các tiêu chí như: Có 70% hộ gia đình có nhà vệ sinh cải thiện; 80% hộ gia đình có điểm rửa tay, có xà phòng hoặc sản phẩm thay thế xà phòng…Nhờ đó, vệ sinh nông thôn ở Sông Lũy có chuyển biến, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Dung, thôn 1, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình cho biết: Tham gia chương trình, gia đình được hỗ trợ khoảng 1,1 triệu đồng bằng cách mua vật liệu xây dựng từ cửa hàng tiện ích. Nhờ hỗ trợ mà gia đình có thêm kinh phí để cải thiện nhà vệ sinh cũ thành khang trang, sạch đẹp hơn. Từ đó giúp gia đình bảo vệ môi trường sống và đảm bảo sức khỏe.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Bình Thuận vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, tồn tại và thách thức không nhỏ như: Nhận thức của người dân về công tác sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn hạn chế, nhiều người dân chưa có thói quen sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, tập quán nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà còn phổ biến.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và Nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, dự kiến trong năm 2020, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng và phát triển đấu nối cho 02 công trình cấp nước đầu tư mới trong các năm 2017, 2018; đầu tư cải tạo, nâng cấp 03 công trình cấp nước cho dân cư; đầu tư các công trình cấp nước - vệ sinh trường học và công trình cấp nước - vệ sinh trạm y tế còn lại; thực hiện hỗ trợ 426 hộ gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; phấn đấu có 02 xã đạt vệ sinh toàn xã…

Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung hoàn thiện chính sách và thể chế, tăng cường năng lực các tổ chức cơ sở. Xây dựng và áp dụng các sáng kiến/ mô hình mới, phù hợp và bền vững với điều kiện vùng miền, đặc biệt tại khu vực nông thôn miền núi, thúc đẩy vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân của người dân tộc thiểu số. Xây dựng và triển khai một chương trình vận động chính sách cấp tỉnh và quốc gia dành cho cán bộ công chức Nhà nước và những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng; tăng cường nhận thức của các cấp chính trị về tầm quan trọng của vệ sinh nông thôn, đưa mục tiêu xóa bỏ phóng uế bừa bãi vào các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tài trợ cho lĩnh vực này.

 

message zalo