Đang tải...
Ngày đăng: 25/03/2024
Hôm nay (22/3) là Ngày nước Thế giới. Chủ đề của năm nay là “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Tại Việt Nam, 90% nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế ở các khu vực đô thị, nông thôn vùng đồng bằng đã và đang được đầu tư. Tuy nhiên, còn gần một nửa dân số ở các tỉnh miền núi vẫn chưa được sử dụng nước sạch, bởi hành trình đưa nước sạch về vùng cao còn khá gian nan.
Sau bao ngày mong mỏi, nước sạch đã về tới bản Suối Bó, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Một bể lắng với kinh phí hơn 2 triệu đồng được xây dựng để ngăn lá cây hoặc rác trước khi nước chảy về từng nhà
Với độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, các hộ trong bản nằm cách xa nhau hàng trăm mét, việc xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung tại đây cũng chưa thể triển khai.
Mỗi đường ống nước sạch được các hộ dân ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái góp tiền chung nhau để đưa nước từ trên núi về tận nhà dân. Đối với những người dân ở các tỉnh miền núi, nước sạch vẫn là điều vô cùng quý giá.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, hiện hơn 90 % dân số nông thôn và miền núi của địa phương này đã được cấp nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên thực tế, nước hợp vệ sinh tại đây vẫn chỉ là nước tự chảy từ khe núi.
Hiện gần 45% công trình cấp nước tập trung trên cả nước hoạt động kém hiệu quả hoặc không còn hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là các công trình quy mô nhỏ đã được xây dựng trên 15 năm ở vùng sâu, vùng xa không có đủ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng.
"Các địa phương khi đầu tư phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng nước của người dân, đảm bảo lượng người sử dụng trên 60% vùng dự án thì mới bắt đầu tiến hành xây dựn", ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết.
Nước uống đảm bảo tiêu chuẩn là nhu cầu thực sự cần thiết với người dân, cần những chính sách đồng bộ, hiệu quả để hàng ngày, những người dân này đỡ vất vả, khó khăn.