Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Ngành nông nghiệp nỗ lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng

Ngày đăng: 03/07/2017

(Mard-03/7/2017) - Theo dự báo, những tháng còn lại của năm 2017, sản xuất nông nghiệp vẫn đứng trước những rủi ro tiềm ẩn như: diễn biến thời tiết bất thường, tình trạng “được mùa, mất giá”... Do đó, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai nhiều giải pháp từ nay đến cuối năm nhằm phấn đấu mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 3,05%; tổng kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đạt 33 tỷ USD. 
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã chỉ đạo và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực như: trồng trọt phải đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 2%, chăn nuôi 3%, thủy sản 5%, lâm nghiệp 6,6%... 
Hiện nay, thủy sản đang là lĩnh vực được trông đợi nhiều nhất đóng góp tăng trưởng của toàn ngành. Để đạt mức tăng 5%, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã lưu ý Tổng Cục Thủy sản kiểm soát kỹ giống và chủ động xử lý dịch bệnh; phối hợp cùng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tập trung giải quyết những vướng mắc thị trường cho thủy sản, đặc biệt là đối với cá da trơn. 
Đối với lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, Thứ trưởng Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đánh giá toàn diện theo chuỗi đối với 5 cây công nghiệp chủ lực. Đồng thời, tập trung theo dõi, chỉ đạo chăm sóc, thu hoạch lúa Đông Xuân và gieo cấy lúa Hè Thu tại các tỉnh phía Bắc. 
Bên cạnh đó, thu hoạch lúa Hè Thu sớm và gieo cấy lúa Hè Thu chính vụ tại các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, tăng cường thâm canh các cây công nghiệp, cây ăn quả có thị trường thuận lợi trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, đảm bảo giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng. 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Cục Chăn nuôi, Cục Thú y bám sát và đánh tình hình sản xuất, cung – cầu về lợn cũng như các vật nuôi khác để có giải pháp phát triển bền vững ngành chăn nuôi; tăng cường xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và ngoài nước, nhất là thúc đẩy tiêu thụ lợn, gia cầm... 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Trước tình hình cụ thể hiện nay chúng ta phải cơ cấu lại sản phẩm, phải xác định sức sản xuất còn rất lớn về nông nghiệp. Nếu không tổ chức tốt thì không thành công, thậm chí nông nghiệp sẽ đi xuống". 
Theo đó, đối với nhóm sản phẩm quốc gia gồm những mặt hàng có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên phải rà soát, tập trung đầu tư vào nhóm hàng nào có lợi thế. Đối với nhóm sản phẩm cấp tỉnh cần quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi. Chẳng hạn, xoài Đồng Tháp, vải thiều của Thanh Hà... Trục thứ ba là phát triển nông sản đặc thù của từng địa phương, quan trọng nhất là tổ chức thực hiện thì sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế này. 
Về tiêu thụ sản phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổ chức thị trường và chế biến đang là hai khâu yếu nhất hiện nay. Để hội nhập được với thị trường thế giới thì phải tổ chức lại sản xuất từ tiêu chuẩn, quy chuẩn, giá thành... sản phẩm. Muốn tổ chức được điều này cần từng ngành hàng có khoảng thời gian, có công tác tổ chức, chế biến, đầu tư, quản lý... 
"Chúng ta đang tổ chức các ngành hàng từng bước chấn chỉnh vào sản xuất tập trung làm sao vùng nguyên liệu, chế biến, liên thông thị trường. Từ mục tiêu thị trường thế giới cần gì, tư vấn giới thiệu, về khảo sát, quy hoạch lại, từ đó quy hoạch nhà máy. Từ quy hoạch nhà máy, quy hoạch vùng sản xuất, đây là một chặng đường gian khổ, nhưng buộc chúng ta phải làm", Bộ trưởng Cường cho hay. 
Theo số liệu thống kê tính đến tháng 6 , đàn trâu cả nước giảm 0,8%; đàn bò tăng 2,3%; đàn lợn giảm 3,8%; đàn gia cầm tăng 5,2%. Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt đã phải kêu gọi các tổ chức, đoàn thể "giải cứu" lợn để hỗ trợ người chăn nuôi. 
Theo Cục Chăn nuôi, đến nay hiệu ứng từ các giải pháp tháo gỡ cho chăn nuôi lợn khá tốt; giá lợn xuất chuồng được nâng lên 25.000 - 26.000 đồng/kg và đang có xu hướng tăng lên. “Đến thời điểm hiện nay cơ bản lượng lợn tồn kho không nhiều, theo dự báo một thời gian nữa, lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng ở mức bình thường” – ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định. Dù vậy, việc lợn dư thừa và giá giảm thời gian qua đã khiến các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do thua lỗ. 
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, giá gia cầm hiện vẫn ổn định, không có dấu hiệu giảm mạnh, giá gà công nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh là 26.000-27.000 đồng/kg; giá gà lông màu thả vườn ở Bắc Giang ở mức 58.000-62.000 đồng/kg. Khu vực Hà Nội, giá gà thả vườn ở mức 90.000-100.000 đồng/kg gà lông, giá gà công nghiệp ở mức 29.000-30.000 đồng/kg… Đối với giá trứng, mặc dù có giảm trong vài tuần, nhưng dự báo có thể tăng lên do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu. 
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá: “Việc chỉ đạo sản xuất tôm, cá tra tăng trưởng thuận lợi, đặc biệt là với tôm nước lợ. Giá 1kg tôm thẻ chân trắng loại 100 con vào khoảng 100.000 đồng. Đây là dấu hiệu tốt cho ngành tôm phát triển”. 
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm cả nước đạt trên 3,3 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt trên 2,4 triệu tấn, tăng 3,7%; tôm đạt trên 332 nghìn tấn, tăng 7,4%. Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng ước tính đạt 908 nghìn ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt trên 1,6 triệu tấn, tăng 3,8%. Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm ước tính tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định: “Không có năm nào Nam bộ mưa lớn liên tục như những tháng đầu năm 2017 nên đã ảnh hưởng đến lúa Đông Xuân và Hè Thu.” Cụ thể, năng suất lúa Đông Xuân cả nước ước tính đạt 62,1 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm 2016; sản lượng đạt 19,1 triệu tấn, giảm gần 296 nghìn tấn. 
Tuy nhiên, các lĩnh vực sản xuất thuộc ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu hoàn thành vượt qua thách thức để hoàn thành mục tiêu lãnh đạo ngành giao phó, từ đó góp phần hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2017.
message zalo