Đang tải...
Ngày đăng: 23/08/2019
Tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi..., hàng vạn người cũng quay quắt vì "khát" nước sinh hoạt.
Những ngày qua, nhiều khu dân cư tại Đà Nẵng liên tục xảy ra tình trạng mất nước, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là hai khu vực nằm ở xa nhà máy nước, lại có nhiều cơ sở dịch vụ, khách sạn, nên tình trạng thiếu hụt nước càng nghiêm trọng. Hình ảnh người dân mang xô chậu sắp hàng chờ hứng nước đã tái diễn ở đây.
Dân thức đêm hứng nước, dùng xe cứu hỏa... cấp cứu nước
Mở sẵn vòi nước từ ba ngày nay, nhưng nhà bà Trần Thị Bình (tổ 66, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vẫn không hứng được giọt nước nào. Bà Bình và người dân trên tuyến đường phải mang xô chậu đi xin các hộ có giếng khoan hoặc các gia đình có bể chứa lớn để có nước dùng cầm chừng.
"Không có nước tắm, có hôm tôi chực thức tới rạng sáng chờ giờ thấp điểm để hứng nước nhưng cũng không có. Nhà tôi phải mua nước bình để uống và nấu ăn, còn tắm giặt thì ra biển rồi vào bãi tắm nước ngọt để giội lại" - bà Bình nói.
Tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), tình trạng không có nước cũng đã xảy ra tới ngày thứ ba. Đây là khu vực có nhiều quán xá và nhà trẻ tư nhân, vì thiếu nước nên nhà hàng phải đóng cửa nghỉ bán, còn nhà trẻ thì các cô giáo phải thay phiên nhau đi xin nước về dùng.
"Vợ chồng tôi phải làm cuộc "di tản" với mấy đứa con về nhà nội ở quận Cẩm Lệ để có nước sinh hoạt. Chưa bao giờ chứng kiến tình trạng mất nước tới ba ngày như mấy hôm nay" - bà Ngô Thị Xí, phường Thọ Quang, than thở.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, phó giám đốc Xí nghiệp cấp nước Sơn Trà, hiện chỉ có 10% tuyến đường ống cấp nước trên địa bàn có đầy đủ áp lực nước. Trước tình trạng này, Xí nghiệp cấp nước Sơn Trà đã bố trí 2 xe bồn để cấp nước tại các bồn chứa cố định đặt ở 11 vị trí mất nước trên địa bàn. Tuy nhiên, ngay các bồn tiếp nước cũng cạn vì nhu cầu của người dân quá lớn.
Thậm chí tại Bệnh viện Đà Nẵng, lực lượng cứu hỏa phải sử dụng xe chuyên dụng để "chữa cháy" nguồn nước đang thiếu phục vụ việc khám chữa bệnh cho các bệnh nhân nội trú tại đây.
Đồ họa: TUẤN ANH
Hồ cạn
Ông Hồ Hương, tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết nguyên nhân là sông Cẩm Lệ đoạn qua Cầu Đỏ bị nhiễm mặn liên tục những ngày qua. Cao điểm từ ngày 16-8 đến nay, độ mặn ở đây luôn vượt ngưỡng, có thời điểm độ mặn gấp 14 lần mức cho phép dẫn đến không đủ nguồn nước thô cho hai nhà máy sản xuất nước hoạt động.
Dù phía Dawaco đã liên tục vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch đưa nước thô về cho 2 nhà máy nước này hoạt động, nhưng do công suất tối đa của hệ thống đường ống chỉ chuyển tải nước thô được khoảng 210.000 m3/ngày, không đủ nhu cầu của thành phố khoảng 306.000 m3/ngày.
Ông Nguyễn Quang Vinh, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng, cho biết nguồn nước hiện còn của các thủy điện đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn khó có thể đáp ứng nhu cầu của hạ du trong mùa cạn.
Cụ thể, dung tích còn lại của hồ A Vương so với mực nước chết là 28,5 triệu m3. Nếu huy động hồ A Vương xả với lưu lượng 28 m3/s để giảm mặn cho Cầu Đỏ theo đề nghị của Dawaco thì phải xả lên tới 50-70 m3/s và khoảng 10 ngày là cạn hồ.
Tương tự, nước còn lại của hồ Đắk Mi 4 so với mực nước chết là 16,7 triệu m3. Nếu xả theo đề nghị của Dawaco 25 m3/s thì lượng nước này hồ chỉ "sống" được chưa tới 8 ngày là cạn.
Đồ họa: TUẤN ANH
"Cầu cứu" Chính phủ
Ngày 21-8, UBND TP Đà Nẵng đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị của TP và các chủ hồ thủy điện. Tại cuộc họp, bà Đặng Nguyễn Thục Anh, phó phòng khoáng sản và tài nguyên nước Sở TN-MT Đà Nẵng, đề nghị các chủ thủy điện Đắk Mi 4 và A Vương cần chịu khó hi sinh lợi ích của mình, chia sẻ với khó khăn của cộng đồng trong bối cảnh TP Đà Nẵng đang thiếu nước sinh hoạt.
"Theo dự báo, đợt nắng nóng và mặn xâm nhập sẽ diễn ra từ nay đến ngày 31-8. Nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ hết sức căng thẳng. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn thủy điện Đắk Mi 4 dừng phát điện, hi sinh cho Đà Nẵng" - bà Anh nói.
Ông Nguyễn Quang Vinh, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, đề xuất Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 xả nước liên tục về hạ du Vu Gia theo quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng ban hành. Đối với Nhà máy thủy điện A Vương, xem xét không huy động phát điện nếu hạ du không bị xâm nhập mặn để có đủ nguồn nước duy trì cấp nước cho hạ du đến cuối mùa cạn.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đề xuất lãnh đạo Đà Nẵng cần có văn bản yêu cầu Bộ TN-MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương yêu cầu Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia huy động điện của các nhà máy thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn từ nay đến hết mùa cạn (ngày 31-8) và kéo dài đến ngày 15-9.
Sẽ còn căng thẳng vì thiếu mưa
Theo ông Phạm Văn Chiến, phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, số liệu đo được ở các điểm hạ, trung lưu của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn trong nhiều tháng qua chỉ bằng 20-60% lượng nước trung bình của các năm.
"Mưa ít, dòng chảy đo được tại một số nơi còn thấp hơn dữ liệu đo đạc từ trước đến nay. Dòng chảy yếu nên tình trạng sông nhiễm mặn. Có thể thấy trong lịch sử quan trắc chưa bao giờ ở khu vực lại có những dữ liệu "vượt ngưỡng" về nước, cũng như tình trạng thiếu hụt nước trên các sông như thời gian qua" - ông Chiến nói.
Thủy điện đồng ý xả nước
Chiều tối 21-8, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết chủ các hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4, A Vương và Sông Bung 4 đã đồng ý xả nước từ các hồ chứa thủy điện từ lúc 15h ngày 21-8.
Cụ thể, hồ thủy điện Đắk Mi 4 xả nước về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng bằng 25 m3/s cho đến khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ giảm xuống dưới 1.000 mg/l. Thủy điện A Vương xả nước liên tục 24 giờ với lưu lượng trung bình ngày không nhỏ hơn 70 m3/s từ 15h ngày 21-8 để góp phần giảm mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ.
Sở cho biết đây là phương án khẩn cấp nhằm khôi phục cấp nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng trong ngắn hạn. Nếu tình hình nhiễm mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ vẫn tiếp tục duy trì thường xuyên trên 2.000 mg/l như những ngày vừa qua, phương án đắp đập tạm trên sông Cầu Đỏ sẽ được triển khai thực hiện theo kịch bản ứng phó đã được phê duyệt.