Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Mang nước sạch đến với đồng bào vùng cao Yên Bái

Ngày đăng: 06/11/2024

Những ngày đầu tháng 10/2024, người dân bản Háng Cơ Bua, huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) phấn khởi đón tin vui khi công trình cấp nước sinh hoạt mới chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sạch của 72 hộ gia đình với hơn 350 nhân khẩu nơi đây.

PVI tháo băng khánh thành công trình cấp nước sinh hoạt tại bản Háng Cơ Bua, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Công trình là kết quả của dự án “Xây dựng và cải tạo công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân bản Háng Cơ Bua”, do Công ty cổ phần PVI tài trợ, phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) triển khai từ ngày 1/4/2024 đến 30/09/2024.

Dự án gồm các hợp phần: xây bể trữ nước, làm đường ống dẫn nước trực tiếp từ bể nguồn đến từng hộ dân và đào tạo và chuyển giao cho các hộ dân tự quản lý, vận hành để nâng cao trách nhiệm.

Hơn 1 năm không có đủ nước sạch để sử dụng

Bản Háng Cơ Bua là một bản đặc biệt khó khăn thuộc xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, nằm cách trung tâm xã Púng Luông khoảng 10km và cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 30km. Hiện tại, bản có 106 hộ gia đình sinh sống (với 540 nhân khẩu, 260 phụ nữ), trong đó có 60 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo, người dân tộc Mông chiếm 100%. Thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu đến từ sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước và chăn nuôi nhỏ lẻ.

Do địa hình đồi núi hiểm trở, cùng với văn hoá sinh sống trên cao của người Mông nên việc lấy nước sinh hoạt của nhân dân bản Háng Cơ Bua phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Thời điểm năm 2005, bản Háng Cơ Bua được nhà nước đầu tư xây dựng 1 công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy từ ngọn núi đầu nguồn, tuy nhiên sau nhiều năm, công trình đã xuống cấp trầm trọng và hiện tại không còn được sử dụng.

Nguyên nhân là do người dân coi đó là công trình của nhà nước, nên công trình không được vận hành và quản lý, duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Bên cạnh đó, các hộ dân trong bản sản xuất, chăn nuôi gần khu vực nước đầu nguồn khiến cho chất lượng nước bị ô nhiễm trầm trọng, không bảo đảm vệ sinh cho việc sinh hoạt hàng ngày.

Trong suốt hơn 1 năm vừa qua, nhân dân bản Háng Cơ Bua đã không có đủ nước sạch để sử dụng. Hằng ngày, người dân trong bản phải đi rất xa để lấy nước, trong khi phụ nữ và trẻ em là những đối tượng thường phải thực hiện các công việc này.

Từ những thực trạng trên, Công ty cổ phần PVI đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) hỗ trợ thực hiện dự án “Xây dựng và cải tạo công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân bản Háng Cơ Bua, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”, với mong muốn có thể đem nguồn nước sạch và bảo đảm vệ sinh hơn tới người dân nơi đây.

Dự án được triển khai từ ngày 1/4/2024 đến 30/09/2024, đối tượng thụ hưởng là 72 hộ gia đình, với 350 nhân khẩu, trong đó có 40 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo và 2 hộ người khuyết tật, 100% người dân tộc thiểu số Mông, tại bản Háng Cơ Bua, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Động lực chính khiến dự án trở nên cấp thiết và cần thực hiện trong dài hạn là nhu cầu cải thiện điều kiện sống cho người dân ở các khu vực miền núi xa xôi, nơi mà việc tiếp cận nước sạch vẫn còn là thách thức lớn.

Bằng cách cung cấp nước sạch ổn định và bảo đảm vệ sinh, dự án không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về nước mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, từ đó cải thiện đời sống của người dân.

Đề cao tính bền vững với sáng kiến “Cộng đồng tự quản”

Việc thực hiện dự án không chỉ đơn thuần là xây dựng công trình nước sinh hoạt, sau đó bàn giao lại cho người dân mà còn hướng đến sự hiệu quả và bền vững sau này của công trình.

Để đạt được mục tiêu này, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty cổ phần PVI và Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) sử dụng cách tiếp cận “Cộng đồng tự quản”, xây dựng quy trình tự quản trong cộng đồng, trong đó người dân là chủ thể, đóng vai trò chính.

Tại bản Háng Cơ Bua, dự án bầu ra 1 nhóm người dân nòng cốt từ 7-10 người (là những người có uy tín, trách nhiệm trong bản, bao gồm cả phụ nữ). Những thành viên nòng cốt này được dự án hướng dẫn/tập huấn các kiến thức, kỹ năng để biết cách lập kế hoạch, quản lý tài chính, kỹ thuật xây dựng, cũng như huy động sự tham gia của người dân trong các hoạt động xây dựng, duy tu bảo dưỡng công trình của dự án và các công trình khác tại địa phương.

Quá trình triển khai thực hiện dự án diễn ra một cách minh bạch và công khai, có sự bàn bạc và thống nhất rõ ràng giữa chính quyền địa phương và người dân hưởng lợi. Việc thực hiện theo cách tiếp cận này đã huy động được sự tham gia của người dân - chính là những người hưởng lợi từ công trình, giúp cho họ hiểu rằng công trình đem lại lợi ích cho chính họ.

Từ đó, người dân có trách nhiệm hơn trong việc vận hành, quản lý và duy tu bảo dưỡng công trình, khi có các hư hỏng hay sự cố liên quan đến công trình, họ sẽ có thể chủ động khắc phục và sửa chữa. Đây là điểm khác với các dự án hỗ trợ công trình trao tay và không có sự tham gia trực tiếp của người dân hưởng lợi, tạo nên tính hiệu quả và bền vững của dự án.

Về tầm nhìn, dự án hướng tới xây dựng một cộng đồng bền vững, nơi mà các hộ gia đình khó khăn trong bản Háng Cơ Bua có thể tiếp cận nguồn nước sạch quanh năm. Điều này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của địa phương.

Ngoài ra, dự án còn hướng tới xây dựng một mô hình bền vững, giúp người dân địa phương có khả năng và chủ động trong việc duy trì và quản lý công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại địa phương.

Về tiềm năng nhân rộng mô hình, các công trình nước sinh hoạt thực hiện theo cách tiếp cận “Cộng đồng tự quản” được các bên liên quan đánh giá cao về tính hiệu của và hiệu suất. Dựa trên kinh nghiệm, xây dựng quy trình tự quản trong xây dựng và duy tu bảo dưỡng có thể tiết kiệm khoảng 50% chi phí xây dựng các công trình nước.

Đồng thời, gắn được trách nhiệm của những đối tượng hưởng lợi với các công trình của họ sẽ giúp cho các công trình bền vững hơn. Các cộng đồng khác có thể học hỏi và nhân rộng không chỉ cho công trình nước sinh hoạt, mà có thể nhân rộng ở các loại hình công trình khác, phù hợp với năng lực của người dân.

Nguồn: Báo Nhân dân

message zalo