Đang tải...
Ngày đăng: 20/05/2024
Còn nhiều khó khăn, bất cập
Nhiều năm qua, nhất là vào mùa khô, nhiều hộ dân ở các huyện vùng hạ của tỉnh như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ,... thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt. Người dân mong muốn các cấp, các ngành hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nước sạch, hợp vệ sinh giúp người dân an tâm sinh hoạt và sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thắng (ấp Tân Quí, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Tình hình cấp nước tại xã những năm trước cũng ổn định nhưng năm nay thiếu trầm trọng. Việc thiếu nước sinh hoạt làm cho cuộc sống người dân bị đảo lộn, rất vất vả. Mong muốn của chúng tôi là được cung cấp đủ nước sinh hoạt để cuộc sống không còn bị ảnh hưởng mỗi khi mùa khô kéo dài”.
Thông tin từ UBND huyện Cần Giuộc, huyện được UBND tỉnh cho chủ trương chấp thuận đầu tư 5 DA cấp nước do Công ty (Cty) Cổ phần (CP) Công trình đô thị Cần Giuộc; Cty CP Nước Biwase-Long An; Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn-Sawaco; Cty CP Nước và Môi trường Bằng Tâm; Cty CP Cấp nước Nhà Bè; Cty TNHH MTV Nước sạch Cần Giuộc (Canwaco) thực hiện.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có một số công trình cấp nước nhỏ, lẻ hiện hữu như Cty TNHH Cấp nước Hà Lan, Cty CP Long Hậu và 7 công trình cấp nước tập trung do Nhà nước thực hiện đã giao cho Cty TNHH MTV Nước sạch Cần Giuộc vận hành.
Tuy nhiên, do hạn, mặn kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ của người dân, nhất là các xã: Tân Tập, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Đông Thạnh và Phước Lại (huyện Cần Giuộc).
Khi chưa được hỗ trợ nước miễn phí, người dân các xã trên phải mua nước sinh hoạt với giá khá cao. Đồng thời, để có nước sử dụng trong ngày, họ phải thức đến 1-2 giờ sáng để lấy nước từ hệ thống cấp nước của các đơn vị nhưng vẫn không đủ.
Tại huyện Cần Đước, mặc dù các ngành chức năng của huyện triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với tình hình hạn, mặn ngay từ đầu năm 2024, tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài đã dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong sinh hoạt, đời sống.
Nhiều hộ dân phải trông chờ vào các xe cấp nước lưu động, dùng can nhựa lấy nước về nhà sinh hoạt. Chị Đỗ Thị Tỏa (xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) bộc bạch, mỗi lần, chị chở được khoảng 10 can 30 lít để dùng trong khoảng 2-3 ngày. Số nước này gia đình chị phải sử dụng hết sức tiết kiệm, chủ yếu dùng để nấu ăn, tắm,...
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong mùa khô năm 2023-2024, hiện tượng El Nino đã gây ra tình trạng thiếu hụt lượng mưa, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các xã vùng hạ của các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ,... chịu ảnh hưởng nên thiếu nước sinh hoạt nặng nề nhất; trong đó tại huyện Cần Đước và Cần Giuộc có khoảng 8.150 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Vừa qua, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành, các cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh theo dõi sát tình hình, tăng cường triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả với tình trạng thiếu nước do hạn, mặn.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng rà soát lại phân vùng cấp nước trên địa bàn tỉnh để tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung bảo đảm cung cấp nước cho người dân trong giai đoạn bình thường, đặc biệt là trong mùa hạn, mặn và thiếu nước trong những năm tiếp theo; đồng thời, đôn đốc các Cty cấp nước theo phân vùng đã được phê duyệt đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh các tuyến ống bảo đảm cấp đủ nước cho người dân.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng các phương án để ứng phó hạn, mặn trong những năm tiếp theo, không để bị động, dẫn đến người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
"Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư các DA cấp nước có quy mô lớn, sử dụng nguồn nước mặt đạt chất lượng và ổn định, cấp nước bền vững cho người dân trên địa bàn tỉnh”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền |
Đưa nước sạch về nông thôn
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 1.332 trạm cấp nước nông thôn, cấp nước cho 279.414 hộ dân, đa số các trạm cấp nước nông thôn sử dụng nguồn nước ngầm độ sâu từ 200-480m.
Năm 2024, Sở theo dõi, đôn đốc đầu tư xây dựng 11 danh mục công trình cấp nước nông thôn; tham mưu UBND tỉnh giao hoàn thành 17/19 công trình cấp nước nông thôn cho đơn vị quản lý theo Nghị định số 43/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
Nhìn chung, những năm gần đây, tỷ lệ người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch ngày càng tăng cao, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sức khỏe cho Nhân dân. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn nhiều công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn có quy mô nhỏ, không đồng bộ, thiếu mặt bằng, tài chính để cải tạo, nâng cấp; nhiều công trình nhỏ hoạt động chưa hiệu quả, thiếu quan tâm đến chất lượng nước;...
Lý giải về tình trạng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt vẫn diễn ra tại nhiều địa phương thời gian qua, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn - Giáp Hoàng Quân thông tin: Các vùng bị thiếu nước sinh hoạt phần lớn là vùng khó khăn, dân cư không sống tập trung, địa bàn cấp nước rộng. Đồng thời, còn nhiều trạm cấp nước quy mô nhỏ, chất lượng nước kém chưa xóa bỏ được nên tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch một số nơi còn thấp.
Ngoài ra, tại một số địa phương có DA cấp nước sạch do doanh nghiệp đầu tư, người dân phải chi trả phí đấu nối với số tiền lớn nên nhiều người không mặn mà sử dụng nước sạch. Số hộ sử dụng nước thực tế thấp hơn thiết kế, gây khó khăn cho đơn vị quản lý. Hơn nữa, giá nước sạch còn thấp, ảnh hưởng đến hoạt động bền vững của công trình và việc thu hút các nhà đầu tư.
Nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từng bước duy trì và hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, những năm gần đây, tỉnh luôn ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp có các công trình cấp nước cho các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp,... tham gia cấp nước cho khu vực nông thôn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hộ dân nông thôn sử dụng nước máy toàn tỉnh đạt 83,1%, các hộ dân nông thôn còn lại sử dụng nguồn nước nhỏ, lẻ (nước mặt, giếng khoan nông, nước mưa); hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,88%; hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 75,20%, trong đó hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng QCĐP 01:2022/LA từ công trình cấp nước tập trung đạt 65,49%; hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nhỏ, lẻ (quy mô hộ gia đình) đạt 9,71%.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Hiện nay, tỉnh tiếp tục thực hiện lộ trình xóa bỏ dần các công trình cấp nước có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả để thay thế bằng các công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư các DA cấp nước có quy mô lớn, sử dụng nguồn nước mặt đạt chất lượng và ổn định, cấp nước bền vững cho người dân trên địa bàn tỉnh”./.