Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Long An nỗ lực đối phó hạn, mặn

Ngày đăng: 06/04/2020

 

Lúa khô - người khát

Thống kê sơ bộ tại các địa phương cho thấy, hạn kết hợp với xâm nhập mặn đã làm cho hơn 2.000 ha lúa đông xuân ở hai huyện Tân Trụ, Thủ Thừa gần như mất trắng. Ðứng từ xa nhìn cánh đồng lúa các xã Tân Phước Tây, Phước Ðông, Nhật Ninh… đều nghĩ lúa chín nhưng đến gần là một cánh đồng lúa chết trắng do thiếu nước, đất khô cằn như sỏi đá.

Bà Hồ Thị Ðầm, ấp 5, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ cho biết: Ðã mấy chục năm canh tác trên mảnh đất này nhưng chưa bao giờ gặp cảnh hạn, mặn quá dữ dội như năm nay. Toàn bộ 4.000 m2 lúa đông xuân 90 ngày tuổi gần 30 ngày nay không có nước để cứu, giờ chết hết.

Gần 10 triệu đồng đầu tư nay không thu được hạt thóc nào. Bà Trần Thị Liền cùng ấp, canh tác 5.000 m2 lúa đông xuân chia sẻ: Năm nay hạn, mặn gay gắt nhất kể từ trước đến nay. Nguồn nước ngọt trong dòng kênh Nhật Tảo đã cạn trơ đáy thì lấy nước đâu cứu lúa. Món nợ vật tư nông nghiệp, tiền làm đất phải ghi nợ đến mùa vụ sau thu hoạch lúa mới có thể trả được.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước Tây Lê Trung Hậu cho biết: Vụ đông xuân năm nay, nông dân gieo sạ khoảng 500 ha. Do hạn, xâm nhập mặn đến sớm và khốc liệt hơn những năm trước, cho nên địa phương phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới cho cây lúa, thanh long và hoa màu. Mặc dù, địa phương đã phối hợp UBND xã Bình Trinh Ðông tổ chức trạm bơm để dẫn nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Nhật Tảo về phục vụ người dân cứu lúa nhưng do địa bàn xã xa trục thủy lợi chính nên khi tổ chức bơm cấp không phục vụ được nhu cầu của người dân, dẫn đến thiệt hại nặng. Toàn bộ diện tích lúa đông xuân trên địa bàn xã gần như mất trắng. Tạm tính riêng cây lúa, nếu giá bán tại ruộng là 5.000 đồng/kg, năng suất khoảng 6 tấn/ha, thiệt hại về kinh tế của người dân xã Tân Phước Tây đã hơn 15 tỷ đồng.

Ngoài đồng cây lúa chết khô, trong nhà, hàng chục nghìn nhân khẩu thuộc 8.000 hộ ở các huyện Cần Giuộc, Cần Ðước và Tân Trụ phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Ðể có nước ngọt sinh hoạt, người dân phải đi mua nước giếng tầng nông với giá hơn 100 nghìn đồng/m3. Giá nước ngọt tăng cao nhưng có tiền cũng không dễ mua được vì nhiều nhà xa trục lộ chính.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, tổ 5, ấp Tân Ðông, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc than thở: Ở cái vùng đồng khô, nước mặn này bây giờ mua gạo dễ hơn mua nước ngọt. Nước giếng tầng nông bị nhiễm mặn nên vùng này khan hiếm nước ngọt lắm, giá tăng cao gấp 10 đến 15 lần so với nước máy.

Toàn xã Tân Tập hiện còn hơn 500 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nguồn nước máy của Nhà máy nước Bằng Tâm không đủ đáp ứng nhu cầu, do đó để có nước sinh hoạt, hai lượt sáng và chiều hằng ngày người dân phải canh giờ để lấy nước dự trữ. Hiện tại, bộ đội tỉnh Long An đang vận chuyển nước từ nơi khác về bơm vào những điểm tập trung để các hộ dân đến lấy sử dụng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc Nguyễn Tuấn Thanh, vùng hạ huyện Cần Giuộc không có nguồn nước ngầm nên bước vào mùa hạn, mặn là xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Ðể giải bài toán nước sinh hoạt, năm 2019, Long An đã bố trí vốn xây dựng bảy trạm bơm tăng áp và hệ thống đường ống cung cấp nước sinh hoạt trên toàn địa bàn huyện. Các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng lại thiếu nguồn nước sạch cấp cho người dân sử dụng. Hiện tại, Nhà máy nước Nhị Thành - DNP Long An đặt tại huyện Thủ Thừa đang đẩy nhanh tiến độ thi công đường ống dẫn nước ngọt về vùng hạ huyện Cần Giuộc. Kế hoạch đến ngày 25-4 tới, DNP Long An khi đấu nối với đường ống của Nhà máy nước Bằng Tâm với công suất khoảng 10 nghìn m3/ngày/đêm thì sẽ giải được cơn khát nước ngọt cho người dân vùng hạ Cần Giuộc và Cần Ðước.

Ðất thành sông

Do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn đã làm mực nước xuống thấp, gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Riêng ở huyện Tân Trụ, hơn 200 m bờ bao bị trôi xuống sông, nhiều tuyến giao thông nông thôn bị chia cắt. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ Trịnh Phước Trung cho biết: Do hệ thống thủy lợi Nhật Tảo kiệt nước, tầng đất chân yếu đã tạo ra áp lực đẩy đất ra ngoài sông gây sạt lở các khu vực ven bờ. Ngoài ra, một số ao nuôi thủy sản của người dân nằm sát sông, khi sông cạn nước đã tạo ra độ chênh lệch mực nước dẫn đến sạt lở nghiêm trọng. Huyện đang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khắc phục để người dân đi lại và giao thương hàng hóa.

Chi cục trưởng Phát triển nông thôn và thủy lợi Long An Võ Kim Thuần cho biết: Hiện tượng sạt lở bờ sông thuộc hệ thống thủy lợi Nhật Tảo sẽ còn tiếp tục xảy ra nếu như mực nước không được nâng lên để giảm độ chênh lệch và khi có mưa lớn xuất hiện. Hiện tại, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải và các ngành liên quan phối hợp địa phương khắc phục ngay các điểm bị sạt lở để người dân đi lại, tiến hành khảo sát và thiết kế phương án gia cố để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Theo UBND tỉnh Long An thì tác động của hạn, mặn đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa, Cần Giuộc... Việc cấp bách cần làm vào thời điểm này là: Tập trung cấp nước uống, sinh hoạt cho người dân, không để dân thiếu nước sử dụng. Ðối với người dân, cần theo dõi sát tình hình dự báo mặn, tranh thủ nhân lực và vật lực để tích trữ nước cứu ruộng vườn. Về lâu dài đối với giải pháp phi công trình, cần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Cần dịch chuyển lịch thời vụ để “né” hạn, mặn, sử dụng giống phù hợp với điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để bảo đảm sự thích nghi, chuyển đổi thành công. Người dân rất mong các ngành chức năng, nhà khoa học vào cuộc để tìm giải pháp sống chung với hạn, xâm nhập mặn được bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

Ðối với giải pháp công trình, UBND tỉnh Long An kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tiếp tục đầu tư cống Bà Ðịnh, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè, Rạch Chùa - Trần Lệ Xuân dọc tuyến quốc lộ 62 để chủ động điều tiết, ngăn mặn trữ ngọt cho hơn 60.000 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng dự án Bắc Ðông thuộc hai tỉnh Long An, Tiền Giang. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng 13 công trình phòng, chống hạn - xâm nhập mặn với tổng kinh phí gần 1.227 tỷ đồng, trong đó, ưu tiên hai công trình cấp bách là: Trạm bơm cấp nước ngọt chống hạn cho vùng dự án Nhật Tảo - Tân Trụ, xây dựng hệ thống xi-phông kết hợp trạm bơm chuyển nước ngọt từ hệ thống thủy lợi Rạch Chanh đi ngầm dưới sông Vàm Cỏ Tây qua xã Hướng Thọ Phú để chuyển nước vào hệ thống thủy lợi Nhật Tảo - Tân Trụ cấp cho hệ thống kênh, rạch khép kín của phía nam huyện Thủ Thừa và toàn bộ huyện Tân Trụ; cải tạo và nâng cấp kênh Hồng Ngự (đoạn qua địa bàn tỉnh Long An).

 

message zalo