Đang tải...
Ngày đăng: 22/05/2019
Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã đầu tư được nhiều công trình cấp nước sinh hoạt bằng những nguồn vốn như vốn Chương trình MTQG nước sạch và VSMT, Chương trình 134, 135, 30a, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…đây là những nguồn lực quan trọng giúp cho tỉnh phát triển hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2010-2018 đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới 453 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, tổng vốn đầu tư trên 565 tỷ đồng. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 1.042 công trình cấp nước tự chảy tập trung (đa số là các công trình có quy mô nhỏ với 112 công trình cấp nước cho trên 100 hộ; 100 công trình cấp cho 70-100 hộ, 830 công trình cấp nước dưới 70 hộ).
Để làm tốt công tác quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn nhằm nâng cao tính bền vững và phát huy hiệu quả của các công trình, hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác này. Đồng thời, Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách như việc giao quản công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn trên địa bàn; ban hành quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng do cấp xã quản lý; tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn... Vì vậy, đến nay tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 34% và 90% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, ở một số nơi mức độ quan tâm của cấp ủy, chính quyền chưa cao, chưa quyết liệt, chưa coi công trình cấp nước là tài sản của địa phương. Hơn nữa, không vận động tuyên truyền người dân đóng tiền sử dụng nước nên không có kinh phí quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình; khi công trình có hư hỏng nhỏ đã không có giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời, dẫn đến các hư hỏng lớn hơn, lâu dần công trình bị xuống cấp, giảm năng lực phục vụ; các chủ đầu tư đa số chỉ quan tâm đến đầu tư xây dựng công trình, chưa thực sự quan tâm hướng dẫn các địa phương công tác quản lý sau đầu tư, trong khi lực lượng tham gia quản lý vận hành công trình đa số là người dân không có chuyên môn kỹ thuật. Mặt khác nhiều công trình đầu tư không xuất phát từ nhu cầu thực tế, lựa chọn giải pháp thiết kế, lựa chọn nguồn nước không hợp lý, chất lượng thi công một số công trình không đảm bảo; công tác bảo vệ nguồn nước ở một số địa phương chưa tốt, còn để nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăn thả gia súc, làm ô nhiễm nguồn nước, chất lượng nước giảm.
Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Lào Cai phấn đấu đạt tỷ lệ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh khu vực nông thôn là 95%, trong đó có 50% được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Để làm được điều đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch và VSMT, đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở; chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng quy định về duy tu bảo dưỡng thường xuyên công trình. Đồng thời đề nghị các địa phương cấp huyện ưu tiên sử dụng kinh phí hỗ trợ của tỉnh để bố trí sửa chữa công trình cấp nước và chủ động sử dụng ngân sách địa phương thực hiện sửa chữa các công trình hư hỏng. Mặt khác chỉ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình khi có ít nhất 75% người dân cam kết trả tiền sử dụng nước; không sử dụng ngân sách tỉnh hoặc các chương trình dự án của Trung ương để đầu tư sửa chữa các công trình bị hư hỏng do nguyên nhân quản lý khai thác yếu kém; tổ chức đào tạo công nhân kỹ thuật, thợ có tay nghề về thủy lợi, cấp nước cho cấp xã, thôn nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ quản lý công trình; đảm bảo mỗi xã có ít nhất một công nhân kỹ thuật; chủ động sử dụng ngân sách địa phương, vận động các nguồn xã hội hóa để sửa chữa các công trình cấp nước bị hư hỏng.