Đang tải...
Ngày đăng: 23/09/2019
Thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn đã được huyện Văn Bàn đầu tư 1 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn thì công trình đã hư hỏng, xuống cấp, không thể cung cấp nước cho người dân sử dụng. Ông Vàng A Tớ, Chủ tịch UBND xã Nậm Xé cho biết: Công trình ban đầu hoạt động rất hiệu quả, cung cấp nước cho hầu hết các hộ ở thôn Tu Thượng, song trong quá trình sử dụng, một số người đã tự ý cắt ống chính để đấu nối thêm các ống dẫn về gia đình khiến công trình nhanh chóng hư hỏng.
Tu Thượng chỉ là một trong những thôn có công trình nước sinh hoạt nhưng hoạt động kém hiệu quả tại tỉnh Lào Cai. Theo số liệu thống kê hết năm 2018, trong số hơn 1.000 công trình cấp nước sạch tại Lào Cai có 164 công trình cấp nước sinh hoạt không hoạt động, chiếm 15,8%; 243 công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả, chiếm 23,3%.
Để người dân không phải chịu ảnh khổ do thiếu nước sinh hoạt, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trên toàn tỉnh.
Được biết, dù trong năm 2018, tỉnh Lào Cai đã cấp hơn 2,8 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thành phố sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, song có 4/9 huyện gồm: Si Ma Cai, Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn không phân bổ kinh phí cho các xã; một số xã đã được huyện phân bổ kinh phí nhưng không phân bổ chi tiết cho từng công trình; một số công trình đươc phân bổ kinh phí nhưng chưa lập kế hoạch sửa chữa. Bên cạnh đó, rất ít công trình thu được tiền sử dụng nước theo quy định nên không có kinh phí bảo dưỡng thường xuyên, khiến số lượng công trình hư hỏng, xuống cấp ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Nguyên nhân khiến việc thu tiền nước và quản lý, sử dụng các công trình nước sinh hoạt nông thôn kém hiệu quả là chịu ảnh hưởng nhiều từ thiên tai; bộ máy quản lý công trình ở cấp cơ sở còn mỏng, kiêm nhiệm và thiếu chuyên môn; một số tổ chức quản lý công trình cấp nước được thành lập hình thức, không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa cao, chưa coi công trình cấp nước sinh hoạt là tài sản của địa phương. Cũng có một số chủ đầu tư chỉ quan tâm đến xây dựng công trình, chưa quan tâm tới việc hướng dẫn sử dụng, quản lý sau đầu tư. Nhiều người dân còn thói quen sử dụng nước không mất tiền, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước…
Để sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch, nước hợp vệ sinh. Cần giao một số công trình cấp nước cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện việc đấu thầu trực tiếp quản lý, khai thác. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với công tác đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt... Có như thế các công trình cấp nước mới mang lại hiệu quả, người dân mới có nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh để sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.