Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Khi người dân nhận thức đúng, xử lý rác thải ở nông thôn không khó.

Ngày đăng: 27/09/2019

 

Phú Lạc là xã sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, buôn bán dịch vụ phát triển mạnh nên lượng rác thải khá lớn; ước tính bình quân mỗi ngày phát sinh khoảng 1 tấn rác, gây ô nhiễm nhiều khu vực, nhất là chợ trung tâm xã. Cấp ủy, chính quyền đã tuyên truyền vận động người dân tự xử lý rác thải. Năm 2012, gia đình ông Trần Văn Đông ở khu Tây Tiến 2 đã nhận đứng ra làm dịch vụ thu gom rác bằng các phương tiện xe thô sơ cho các hộ xung quanh khu vực trung tâm xã. Nhận thấy đây là mô hình do dân tự liên kết thực hiện và có hiệu quả cao, năm 2013, UBND xã đã  tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia. Hiện nay, dưới sự chủ trì của xã,  đã có 2 tổ thu gom rác thải hoạt động trên địa bàn 8 khu dân cư. Mỗi ngày hai lần, các tổ thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt, sản xuất trong khu đưa về bãi rác tập trung của xã. Ông Trần Văn Đông- Đội thu gom rác thải xã Phú Lạc huyện Cẩm Khê cho biết “Rác thải ngày càng nhiều, từ năm 2012, vợ chồng tôi đi thu gom rác trên địa bàn trong xã. Đầu tiên chúng tôi kéo xe tay, cách đây hai ba năm, tôi đầu tư hai xe bò, hai vợ chồng đi, mỗi vợ chồng một xe để chở rác”.

Để ủng hộ các tổ thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, các tổ chức chính trị xã hội trong xã đã xây dựng các mô hình như: Hội phụ nữ xây dựng mô hình “5 không,  3 sạch” của các chi hội; Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân, Đoàn thanh niên phát động mô hình đoạn đường tự quản về an ninh trật tự và môi trường mang lại hiệu quả thiết thực và bảo vệ môi trường chung toàn xã.

Ở xã Đồng Lương, trước đây những con đường vào xã thường bắt gặp nhiều bãi rác tự phát, người dân bạ đâu vứt đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe người dân, việc xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn. Nhưng hiện tại vấn đề đó đã được tháo gỡ. Thay vì xả rác ra sông, ao, kênh mương như trước, giờ đây người dân trong xã đã bắt đầu làm quen với việc phân loại rác để tổ thu gom vận chuyển đến nơi quy định.

Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, xã đã tuyên truyền vận động người con xa quê, ủng hộ đầu tư xây dựng bãi rác tập trung với diện tích 1.500m2, kinh phí hơn 2 tỷ đồng; thành lập Hợp tác xã thu gom rác thải với 5 thành viên, sáng thứ 4 và chủ nhật hàng tuần thuê xe ô tô đến các hộ gia đình thu gom, vận chuyển. Kinh phí được thu theo quy định Hội đồng nhân dân tỉnh. Từ ngày có đội thu gom, người dân trong xã đã rất có ý thức thực hiện theo đúng nội quy, các tuyến đường vào khu vào nhà các hộ dân đều sạch sẽ, phong quang. Bà Nguyễn Thị Ninh- người dân khu Đình Đồi xã Đồng Lương cho biết “Trước đây chưa thu gom, người ta cứ vứt rác linh tinh. Từ tháng 9 năm ngoái đã tổ chức thu gom rác thải thì người dân rất hài lòng, đường làng ngõ xóm sạch sẽ phong quang”.

Ông Điêu Hoa Thám- Giám đốc hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đồng Lương huyện Cẩm Khê cho biết thêm: “Để làm được tốt và thành công bước đầu như thế này, thứ nhất phải có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Từ đó, nhận thức về của bà con nhân dân về môi trường được nâng lên.   Bà con nhân dân hưởng ứng việc thu gom rác thải rất tốt”.

Qua thực tế ở hai xã cho thấy, khi người dân nhận thức đúng, thì việc xử lý rác ở nông thôn đã được người dân tự đứng ra gánh vác và sẽ phát huy hiệu quả tích cực bền vững. Ông Nguyễn Quốc Tùng- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Khê  cho biết “Trên cơ sở mô hình này, chúng tôi đã đánh giá xem xét, sẽ tham mưu để nhân rộng ra tất cả các xã trên địa bàn huyện”.

Tin tưởng rằng, đây là hướng đi mới, thiết thực để xây dựng nông thôn mới đối với các xã trên địa bàn huyện. Vấn đề đặt ra là, làm sao cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương đều phải nâng cao nhận thức của người dân, làm cho họ tự thấy rõ trách nhiệm của mình, từ đó, người dân sẽ chủ động đề ra những cách làm hay để bảo vệ môi trường nông thôn.

message zalo