Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Khánh Hòa: Đề xuất đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho đảo Bình Ba

Ngày đăng: 07/08/2024

 

Người dân thiếu nước sinh hoạt

Những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã Cam Bình nói chung, đảo Bình Ba nói riêng đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, nguồn nước nơi đây bị nhiễm mặn khiến đời sống người dân trên đảo Bình Ba gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu nước ngọt dẫn đến gần 1.000 hộ dân ở 3 thôn của đảo Bình Ba thường xuyên phải mua nước để phục vụ sinh hoạt với giá từ 100.000 đến 120.000 đồng/m3. Ông Lê Văn Bốn (thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình) cho biết, trước kia, ông mua nước ngọt của một thương lái từ đất liền chở qua với giá 100.000 đồng/m3. Tuy nhiên, không phải ngày nào thương lái cũng chở nước ngọt qua đảo bán nên có khi hết nước đành phải mua nước lọc loại 20 lít/bình về để nấu ăn và uống. Còn nước tắm, giặt thì ông mua của một hộ dân có giếng khoan trong xã. “Nước giếng khoan nhiễm mặn nặng nên tắm rất khó chịu, giặt thì hư hết quần áo nhưng không có cách nào khác. Riêng chi phí mua nước ngọt để uống mỗi tháng gia đình tôi có tiết kiệm cũng phải tốn hơn 1 triệu đồng”, ông Bốn cho hay.

Năm 2016, UBND tỉnh đã cho nghiên cứu và phê duyệt Dự án Hệ thống cấp nước sinh hoạt đảo Bình Ba. Tuy nhiên, do thời điểm đó tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện nên dự án chưa được triển khai. Theo ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình, ở đảo chỉ những nhà có điều kiện kinh tế khá giả mới đầu tư giếng khoan vì chi phí cao, phải khoan hơn 100m mới có nước, tốn hơn 100 triệu đồng; có khi khoan không có nước. Tuy nhiên, nguồn nước này độ mặn lên đến 5 - 10‰. Một số hộ dân không có điều kiện khoan giếng thì dùng nước giếng đào, nhưng đến mùa nắng là giếng bị cạn, không có nước. Với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, trong khi việc vận chuyển nước từ đất liền ra đảo rất tốn kém nên việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho đảo Bình Ba thực sự cần thiết và cấp bách. Đây là công trình dân sinh, có ý nghĩa xã hội quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đảo. Ngoài ra, theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới được UBND tỉnh ban hành ngày 5-8-2022, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung phải đạt từ 50% trở lên mới đáp ứng về tiêu chí chất lượng môi trường. Để đạt chuẩn xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao thì phải đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã Cam Bình.

Đề xuất đầu tư tuyến ống cấp nước vượt biển 

Trong cuộc họp mới đây, UBND tỉnh đã giao UBND TP. Cam Ranh chủ trì lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống cấp nước sinh hoạt đảo Bình Ba theo quy định. UBND TP. Cam Ranh đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, công trình gồm tuyến ống truyền tải nước với chiều dài khoảng 20km, có điểm đầu đấu nối với tuyến ống hiện hữu của Nhà máy Nước Cam Phước Tây, điểm cuối là bể chứa trên đảo Bình Ba. Tổng chiều dài phần ống đi trên cạn khoảng 14,9km, phần ống đi ngầm dưới biển dài khoảng 5,1km. Ngoài ra, công trình còn có các hạng mục: Bể chứa và trạm bơm tăng áp, các công trình trên tuyến giúp tuyến ống vận hành an toàn và hiệu quả; hệ thống phân phối nước tới các hộ dùng nước (bể chứa điều hòa nước trên đảo, mạng lưới đường ống dẫn nước từ bể điều hòa đến các hộ dân…). 

Ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, thành phố đã khảo sát kỹ lưỡng để đưa ra phương án tối ưu, vừa tiết kiệm chi phí vừa mang lại hiệu quả cao. Dự án Hệ thống cấp nước sinh hoạt đảo Bình Ba dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 142,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án khi triển khai sẽ thuận lợi vì chiếm diện tích đất không lớn, không phải tái định cư khi giải phóng mặt bằng, diện tích xây bể chứa nước, trạm bơm, nhà quản lý… không đáng kể. Với công suất thiết kế 1.220m3/ngày đêm, khi công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt đảo Bình Ba được đầu tư dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch cho hơn 5.000 người trên đảo trong giai đoạn phát triển đến năm 2045.

 

message zalo