Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Khẩn trương hoàn thiện mạng lưới kết nối cấp nước sạch liên vùng

Ngày đăng: 09/02/2023

Kết quả giám sát của ngành chức năng về các mẫu nước xét nghiệm nội kiểm tại một số nhà máy và mẫu nước do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) kiểm tra một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép, nhất là các nhà máy có nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, ở một số nhà máy khi lấy mẫu nước xét nghiệm cho thấy chưa thực hiện đầy đủ các quy định theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế dẫn đến chất lượng nước chưa bảo đảm yêu cầu. Những tồn tại này đang diễn ra tại phường Duy Hải (thị xã Duy Tiên) và các xã: Tiên Hiệp, Tiên Tân, Tiên Hải (TP Phủ Lý); Thanh Tâm, Liêm Sơn (Thanh Liêm); Nhật Tân (Kim Bảng).

Theo phản ánh của người dân ở 2 khu tái định cư của thôn Thường Ấm, xã Tiên Hải và một số khu vực ở xã Tiên Hiệp (TP Phủ Lý), nhiều thời điểm lưu lượng nước bơm từ Nhà máy nước sạch liên xã Đọi Sơn rất thấp, chất lượng nước kém không đáp ứng yêu cầu. Rất nhiều lần các hộ đề nghị với chính quyền địa phương và đơn vị cấp nước nâng cấp mạng lưới đường ống nhưng chưa được thực hiện. Nguồn nước cấp trên địa bàn do Công ty Đầu tư xây dựng Vietcom Hà Nam đảm nhiệm. Đây là doanh nghiệp quản lý, vận hành cấp nước liên xã: Tiên Sơn, Yên Nam (thị xã Duy Tiên) và các xã Tiên Hải, Tiên Hiệp (TP Phủ Lý).

Ông Nguyễn Văn Hạ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thường Ấm, xã Tiên Hải cho biết: Tại các khu tái định cư hiện có hơn 20 hộ đang gặp khó khăn về nguồn nước và phải sử dụng đồng thời các nguồn nước khác nhau từ giếng khoan, nước mưa để sinh hoạt. Rất mong doanh nghiệp cấp nước sớm đầu tư nâng cấp hệ thống đường ống phục vụ nước sạch cho người dân ở các khu tái định cư Thường Ấm.

Được biết, Nhà máy nước sạch liên xã Đọi Sơn có công suất 5.400m3 nước/ngày đêm, khai thác từ nguồn nước sông Châu, nhưng do chất lượng nước không ổn định, nhiều thời điểm nước ô nhiễm ảnh hưởng đến việc sử dụng nước sạch trên địa bàn. Theo Báo cáo số 11/BC-KSBT ngày 5/1/2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về kết quả giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các đơn vị cấp nước năm 2021 tại Nhà máy nước sạch liên xã Đọi Sơn có 3/3 mẫu không đạt so với giới hạn tối đa cho phép. Trong khi đó, tháng 1/2018 UBND tỉnh đã phê duyệt thiết kế cơ sở công trình đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước thô từ sông Hồng cho nhà máy. Theo đó, công trình phải hoàn thành trước năm 2020, nhưng đến nay việc chuyển đổi nguồn nước cấp từ sông Hồng chưa được đơn vị thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.

Thực tế, hiện nay hệ thống đường trục ở 2 khu tái định cư thôn Thường Ấm đường kính nhỏ và nằm ở cuối nguồn cấp nên áp lực nước yếu, ảnh hưởng đến việc sử dụng nước của các hộ gia đình. Mới đây, đại diện doanh nghiệp, chính quyền địa phương, ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra thực tế tại 2 khu tái định cư và một số khu vực ở xã Tiên Hiệp. Theo đó, ngành chức năng đã yêu cầu công ty khảo sát tuyến ống cấp nước, tìm vị trí điểm đấu và thực hiện lắp đặt tuyến đường ống có tiết diện phù hợp để cung cấp nước đủ lưu lượng và áp lực phục vụ nhân dân. Hiện nay, công ty đang khảo sát tuyến ống để thực hiện đấu nối ống cấp cho 2 khu tái định cư. Đồng thời, khẩn trương chuyển đổi nguồn nước từ sông Hồng để khai thác cấp nước cho nhân dân bảo đảm tiêu chuẩn và quy định của UBND tỉnh về thực hiện quy hoạch cấp nước vùng.

Trên địa bàn toàn tỉnh, tiến độ thi công một số dự án cấp nước sạch hiện còn chậm, đặc biệt là dự án cấp nước sạch cho các xã: Liêm Sơn, Thanh Tâm (Thanh Liêm) do Công ty TNHH xây dựng Minh Anh làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng từ năm 2017 và nhiều lần UBND tỉnh gia hạn nhưng đến nay một số hạng mục công trình chưa được chủ đầu tư triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch phục vụ nhân dân các địa bàn thuộc phạm vi cấp nước của nhà máy.

Bên cạnh đó, giai đoạn I công suất 100.000 m3/ngày đêm dự án xây dựng Nhà máy nước sạch sông Hồng tại xã Mộc Nam (Duy Tiên) để thay thế nguồn nước cấp từ sông Đáy do Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam làm chủ đầu tư và triển khai từ năm 2017 đến nay nhưng chưa hoàn chỉnh đồng bộ. Hiện công ty đang quản lý, vận hành Nhà máy nước sạch Phủ Lý 2 tại xã Thanh Sơn (Kim Bảng) công suất thiết kế 30.000 m3/ngày đêm và giai đoạn I là 15.000 m3/ngày đêm để đáp ứng yêu cầu sử dụng nước sạch của khách hàng. Từ nguồn nước của Nhà máy kết hợp với nguồn nước sạch của Nhà máy nước Phủ Lý I công suất 10.000 m3/ngày đêm phục vụ các phường nội thị và các xã lân cận: Liêm Chung, Phù Vân, Kim Bình, Tiên Tân (TP Phủ Lý), một số địa phương ở các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhân dân thời gian qua ở một số thời điểm chất lượng nước sạch của Nhà máy chưa bảo đảm theo quy định.

Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng nước sạch và nâng cao chất lượng nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân và sản xuất của doanh nghiệp, ngày 7/6/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng các công trình nước sạch liên đô thị, mạng lưới cấp nước sạch liên vùng theo quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp cấp nước đã được quy hoạch không khai thác chồng lấn giữa các vùng và khẩn trương xây dựng hạ tầng cấp nước, nâng cấp trang thiết bị hiện đại bảo đảm quy chuẩn. Không khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm ở những khu vực đã có hệ thống nước sạch tập trung.

Đối với các nhà máy nước sạch có nguồn nước đầu vào không bảo đảm, sử dụng nguồn nước mặt ở sông Châu, sông Sắt đến năm 2025 phải chuyển đổi sang cung ứng đấu nối khai thác nguồn nước của sông Hồng và sông Đáy, hoặc sử dụng nước đoạn đầu nguồn, tiếp nhận từ các nhà máy nước liên vùng.

UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung khai thác nước nguồn từ sông Hồng, sông Đáy; riêng sông Đáy chỉ khai thác nước tại khu vực từ xã Tân Sơn (Kim Bảng) về đến địa điểm tiếp giáp TP Phủ Lý. Đồng thời, khẩn trương xây dựng mạng lưới kết nối cấp nước liên vùng theo kế hoạch đến năm 2025 nhằm chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng và trên địa bàn hình thành 2 vùng cấp nước chính. Trong đó, vùng 1 có 21 nhà máy cấp nước cho khu vực TP Phủ Lý và các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, thị xã Duy Tiên; vùng 2 có 8 nhà máy cấp nước cho 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục.

Trên cơ sở đó, thời gian qua UBND tỉnh kiên quyết không cấp phép bổ sung xây mới các nhà máy nước nhỏ lẻ và yêu cầu các nhà máy nước sạch tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước để thực hiện lộ trình chuyển đổi sang sử dụng nguồn nước sông Hồng, sông Đáy hoặc tiếp nhận nước đoạn đầu nguồn từ các nhà máy nước liên vùng.

 

message zalo