Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Khai thác hiệu quả các công trình nước sạch

Ngày đăng: 11/11/2024

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 254 công trình nước sinh hoạt nông thôn. Được đầu tư xây dựng theo các chương trình 134, 135 của Chính phủ, đến nay, nhiều công trình đã xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Do đó, để các công trình phát huy hiệu quả, cung cấp nước sạch ổn định cho người dân vẫn cần có sự phân cấp, quản lý, vận hành phù hợp.

Công trình cấp nước ở thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý đang phát huy hiệu quả.

Hơn 10 năm qua, Chính phủ và tỉnh Thái Nguyên đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc đầu tư xây dựng và quản lý lý các công trình nước sạch nông thôn. Dù vậy, đến nay hiệu quả đạt được vẫn ở mức thấp, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Ông La Hồng Chung, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh, cho biết: Hiện tại, trong số 218 công trình cấp nước được giao UBND xã quản lý, có 89 công trình hoạt động kém hiệu quả, 90 công trình không hoạt động. Trong khi đó, các công trình giao cho đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, HTX quản lý đều đang cấp nước khá ổn định. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần có giải pháp phù hợp trong công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chưa phát huy hiệu quả, nhưng phổ biến nhất vẫn là nhiều địa phương (cấp huyện) ít quan tâm đến công tác chỉ đạo quản lý khai thác các công trình trên địa bàn. Năng lực quản lý của cấp xã còn yếu về chuyên môn kỹ thuật, chưa cập nhật các quy định của Nhà nước về lĩnh vực này, nên khi công trình hư hỏng không được sửa chữa dẫn đến ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Một thực tế nữa là đặc thù hoạt động cấp nước nông thôn được quy định vừa là dịch vụ công để khuyến khích người dân tại miền núi, vùng khó khăn sử dụng nước sạch, vừa là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát của Nhà nước để khuyến khích phát triển dịch vụ cấp nước mang tính thị trường tại các vùng kinh tế phát triển.

Vì thế, hầu hết các địa phương đã ban hành giá bán nước sạch chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất. Với giá bán nước sạch ở nông thôn như hiện nay, tại nhiều địa phương, tình trạng thu không đủ chi là phổ biến nhưng lại chưa được điều chỉnh kịp thời.

Trong khi đó lại không có nguồn kinh phí cấp bù giá nước theo quy định để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình. Nhất là việc quy định duy tu, bảo dưỡng công trình không đúng tiêu chuẩn quy định dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí đầu tư; thiếu quy định về mức chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình...

Bởi vậy, để khai thác hiệu quả, các cấp, ngành chức năng cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt tại địa phương.

Tiến sĩ Lê Văn Căn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững nước sạch và vệ sinh môi trường Việt Nam: Đối với Thái Nguyên, UBND tỉnh cần chỉ đạo thường xuyên việc kiểm tra, rà soát về hoạt động quản lý, đánh giá trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc quan tâm đầu tư và quản lý các công trình cấp nước. Hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ quản lý vận hành, sửa chữa lớn, định hướng hoạt động theo cơ chế thị trường dịch vụ cấp nước; chỉ đạo xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém trong quản lý công trình của các địa phương.

UBND cấp huyện cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo để phòng chuyên môn thực hiện tốt việc theo dõi quản lý chặt chẽ các công trình; đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các công trình…

Các đơn vị quản lý vận hành và dịch vụ vấp nước nên xây dựng bộ máy tổ chức phù hợp, có năng lực để quản lý vận hành công trình hiệu quả. Nhất là phải bảo vệ nguồn nước, các hạng mục công trình; đảm bảo chất lượng dịch vụ, chất lượng nước, thời gian cấp nước; tham mưu xây dựng phương án giá bán nước phù hợp với từng địa phương…

Nguồn: Báo Thái Nguyên

message zalo