Đang tải...
Ngày đăng: 16/09/2024
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 44 công trình cấp nước sinh hoạt đang hoạt động, tỉ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng nước sạch từ nhà máy nước đạt 80%. Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão, toàn tỉnh có 10 nhà máy nước phải ngừng hoạt động sản xuất trong thời gian mưa lũ, chủ yếu là các nhà máy nước lấy nguồn nước mặt sông Hồng, sông Luộc là nguồn nước đầu vào. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các nhà máy nước mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Công ty cổ phần nước sạch Phù Tiên, xã Cương Chính (Tiên Lữ) hiện đang cung cấp nước sạch cho 5 xã với gần 3 nghìn hộ dân. Do ảnh hưởng của mưa lũ, nước sông Luộc lên cao, toàn bộ nhà máy nước của công ty đã bị ngập sâu trong nước không thể hoạt động được. Ông Phạm Văn Huấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Phù Tiên cho biết: Nhà máy đã thông báo việc dừng cấp nước đến người dân. Hiện nay, nước sông vẫn chưa rút hết nên nhà máy chưa biết khi nào sẽ cấp nước trở lại cho người dân. Để bảo đảm sớm hoạt động trở lại phục vụ người dân, hiện nay một mặt nhà máy tập trung rà soát, kiểm tra hệ thống đường ống tại vùng cấp nước mặt khác chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nguồn nhân lực triển khai vệ sinh nhà máy, sửa chữa hệ thống tại nhà máy ngay khi nước rút.
Cũng giống Công ty cổ phần nước sạch Phù Tiên, do ảnh hưởng của mưa bão, trạm bơm nước đầu vào có nguy cơ bị ngập nước, nguồn điện bị cắt nên việc sản xuất nước của Công ty cổ phần cấp nước Phú Hưng (thành phố Hưng Yên) cũng bị ảnh hưởng. Nhà máy đã thông báo tạm ngừng cấp nước từ ngày 11/9 đến ngày 14/9.
Đến ngày 12/9, nước trên các sông đã giảm, các nhà máy bị ảnh hưởng đã thực hiện cấp nước trở lại. Tuy nhiên, khi cấp nước trở lại áp lực nước chưa bảo đảm, do đó, tình trạng thiếu nước cục bộ đối với những khách hàng sử dụng nước ở điểm bất lợi (vị trí cao, cuối tuyến) vẫn sẽ xảy ra và thời gian cung cấp nước trở lại sẽ kéo dài hơn so với những khu vực khác. Các nhà máy thông báo đến người dân tình trạng áp lực nước yếu sẽ diễn ra trong thời gian 7-10 ngày sau đó mới ổn định. Do đó, người dân chủ động trong việc sử dụng nước hợp lý. Đối với công trình cấp nước bị ngập, các đơn vị xây dựng kế hoạch sẵn sàng nhân lực, vật lực để vận hành lại hệ thống ngay khi điều kiện bảo đảm.
Tại Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn Nagaoka (Kim Động), do ảnh hưởng của mưa lũ, hệ thống đường trạm bơm nước đầu vào có nguy cơ bị ngập, một số tuyến đường ống nước phân phối tại một số địa phương bị bục, vỡ, công ty đã thông báo tạm ngừng cấp nước ngày 11/9. Ông Phan Văn Vũ, Phó Giám đốc công ty cho biết: Sau khi nắm bắt tình hình thực tế, 18 giờ ngày 12/9, nhà máy đã vận hành lại hệ thống cấp nước cho người dân. Tuy nhiên đến nay, còn khoảng 500 hộ dân ở 2 xã Phùng Chí Kiên (thị xã Mỹ Hào), Nghĩa Dân (Kim Động) chưa có nước sạch sử dụng do sự cố bục, vỡ đường ống nước sau mưa bão. Hiện nay, công ty tăng cường phối hợp với một số địa phương khắc phục sự cố tại 2 địa phương này để cấp nước sinh hoạt và sản xuất liên tục cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Tại Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, ngay sáng 12/9, đơn vị đã chỉ đạo 2 nhà máy nước ở xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) và xã Thuần Hưng (Khoái Châu) phải tạm dừng cấp nước để kiểm tra hệ thống, nguồn điện, vật tư… Đến 18 giờ ngày 12/9/2024, cả 2 nhà máy đã cấp nước trở lại cho các hộ dân trong vùng cấp nước.
Bà Nguyễn Thị Tình, xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) cho biết: Gia đình tôi sử dụng sử dụng nước của Công ty Cổ phần cấp nước Phú Hưng. Nhà máy thông báo ngừng cấp nước 4 ngày, song chỉ sau 1 ngày nhà máy đã cấp nước trở lại. Mặc dù áp lực nước còn yếu, song tôi không phải lo không có nước sạch để dùng.
Bên cạnh việc khẩn trương cấp nước trở lại cho người dân, các đơn vị cấp nước chú trọng bảo đảm chất lượng nguồn nước. Do ảnh hưởng của mưa lũ, độ đục nguồn đầu vào cao, theo đó, cùng với tăng cường lượng hóa chất xử lý, các đơn vị cấp nước tăng cường giám sát, xử lý keo tụ, kiểm tra kỹ các chỉ số… để cấp nước đến người dân.
Ngoài ra, các nhà máy nước, các đơn vị cấp nước, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp, hỗ trợ người dân, đặc biệt là những hộ dân trong vùng ngập lụt thực hiện các giải pháp làm sạch hệ thống bể, vật dụng chứa nước; triển khai kiểm tra, thay thế đường ống, đồng hồ cấp nước… bảo đảm cấp nước sinh hoạt liên tục, ổn định cho người dân.