Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Hội thảo Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

Ngày đăng: 18/07/2019

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng NTM Trần Thanh Nam; Ủy viên Ban chỉ đạo Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng NTM, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng NTM GS.TS Nguyễn Tuấn Anh; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đại diện cho trường, học viện, viện, trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội thảo “Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam”, Hội thảo chuyên đề “Xây dựng và giữ gìn cảnh quan, môi trường nông thôn” đã thu hút sự quan tâm tham dự, thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp xây dựng cảnh quan nông thôn mới vừa mang tính sinh thái, vừa đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống.

Theo các báo cáo tại Hội thảo, cảnh quan, môi trường trong xây dựng nông thôn mới được đánh giá thông qua 8 chỉ tiêu thuộc "Tiêu chí số 17 - Môi trường và an toàn thực phẩm". Trong 10 năm, Chương trình xây dựng nông mới đã đạt được những kết quả nhất định. Đường làng, ngõ xóm ở nhiều địa phương như Nam Định, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Nai,… đã được trồng hoa, tạo cảnh quan đẹp. Về nước sạch sinh hoạt ở các vùng nông thôn, cụ thể là tỉ lệ số hộ dân có nguồn nước hợp vệ sinh ở nông thôn trên toàn quốc đạt 90,8%; trong đó có 2 vùng đạt dưới 90% là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (đạt 81,3%) và Tây Nguyên (đạt 87,5%).

Bên cạnh các kết quả đạt được đối với tiêu chí 17, đặc biệt là hơn 4.000 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, thì cảnh quan và môi trường nông thôn đang nổi cộm rất nhiều vấn đề. Tiêu chí 17 cũng là tiêu chí thách thức đối với rất nhiều địa phương trên toàn quốc. Các vấn đề nổi cộm về môi trường nông thôn như: rác thải sinh hoạt; nước thải sinh hoạt và chăn nuôi; bao bì hóa chất bảo vệ thực vật; các loại ô nhiễm từ làng nghề, các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và cụm công nghiệp tại các vùng nông thôn… cần được xử lý, giải quyết mới có thể nâng cao chất lượng cuộc sống thực sự ở nông thôn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo phải lấy “cảnh quan, môi trường” làm nền tảng với thông điệp: “Bảo vệ cảnh quan, môi trường và tài nguyên tự nhiên để xây dựng nông thôn mới”.

Tại Hội thảo, nhiều giải pháp được thảo luận, đề xuất bảo vệ cảnh quan, môi trường và tài nguyên tự nhiên để xây dựng nông thôn mới như: cần xác định giải pháp trọng tâm và hiệu quả để xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, trong đó xác định đúng giải pháp về phân loại rác thải tại hộ gia đình để ủ thành phân bón hữu cơ, lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp cho đặc thù từng khu vực nông thôn các vùng miền. Đồng thời, cần có sự quan tâm đúng mức đến xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư từng địa phương, có thể theo hình thức phân tán quy mô hộ gia đình, xử lý bán tập trung theo từng cụm dân cư hoặc xử lý tập trung quy mô cấp xã, liên xã ở các khu vực có điều kiện phù hợp. Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế phải gắn với việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn (sản xuất giảm thiểu chất thải, tái chế và tái sử dụng chất thải, đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu nhưng phải có biện pháp xử lý chất thải tránh ô nhiễm môi trường). Khuyến khích phát triển theo hướng xanh, sạch.

Hội thảo đề xuất bên cạnh hệ thống chính sách áp dụng cho cả nước như hiện nay thì cần có chính sách về bảo vệ môi trường đặc thù cho khu vực nông thôn.

 

message zalo