Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Hiệu quả từ mô hình cấp nước sạch ở Hà Giang

Ngày đăng: 27/03/2023

 

Mô hình do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) tài trợ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang thực hiện. Đây là mô hình cấp nước sạch và nước uống trực tiếp có quy mô bán công nghiệp đầu tiên được đầu tư tại năm trường ở tỉnh Hà Giang, với công nghệ tiên tiến nhất được áp dụng để xử lý nước đầu vào - công nghệ RO (thẩm thấu ngược).

Theo đó, nước đi từ nơi có nồng độ muối cao tới nơi có nồng độ muối thấp dưới tác dụng của áp lực, kết hợp với công nghệ diệt trùng UV (đèn tia cực tím) sẽ tiêu diệt toàn bộ các loại vi khuẩn, vi-rút, nấm mốc gây hại và loại bỏ hầu hết các chất cặn bẩn, độc tố, kim loại nặng như chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu, asen, chất phóng xạ… tạo ra nước tinh khiết, vô trùng.

Dự án đã phần nào giảm bớt gánh nặng cho các giáo viên tại các điểm trường vùng cao khi các thầy, cô giáo không còn phải lo lắng việc thiếu nước cũng như chất lượng nước sinh hoạt. Thầy giáo Nguyễn Xuân Toàn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc Nội trú huyện Bắc Mê vui mừng cho biết: “Từ khi có dự án, chúng tôi không còn lo cảnh thiếu nước sinh hoạt nữa, các em học sinh đã có nước sạch để uống”.

Trường cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang cũng đã lắp đặt hệ thống xử lý, cấp nước sạch quy mô công nghiệp công suất 30m3/ngày đêm và hệ thống lọc nước uống tinh khiết công suất 300 lít/giờ.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dự án đã khắc phục được tình trạng học sinh phải mang nước uống từ nhà đến trường, nhà trường chủ động được nguồn nước sạch trong sinh hoạt và nước uống trực tiếp mà không phải mua với giá khá đắt đỏ như trước đây. Sức khỏe thể chất và tinh thần của các sinh viên ở ký túc xá được nâng lên, trong đó giảm rõ rệt một số bệnh về đường tiêu hóa và bệnh ngoài da”.

Công tác tập huấn, hướng dẫn quản lý vận hành, sử dụng hệ thống thiết bị cho các thành viên trong Ban quản lý vận hành của năm trường đã được triển khai gồm: Mô tả chi tiết mô hình hệ thống tổng thể, điểm kết nối, tương tác giữa các khối thiết bị; giới thiệu nguyên lý vận hành của các thành phần; hướng dẫn vận hành hệ thống, các cảnh báo và cách khắc phục lỗi cơ bản; hướng dẫn bao quát về định mức, quá trình bảo trì, thay thế vật tư tiêu hao định kỳ; hướng dẫn và chú ý cơ bản về bảo đảm an toàn vệ sinh, chăm sóc theo dõi hệ thống.

Ngoài ra, tài liệu đào tạo được biên soạn và tổ chức tập huấn nòng cốt cho các thành viên trong Ban quản lý vận hành hệ thống của năm nhà trường về sử dụng nước sạch, hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật về quản lý sử dụng, theo dõi giám sát vận hành hệ thống, đánh giá giám sát chất lượng nước đầu ra của năm hệ thống theo các Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT; QCVN 01-1:2018/BYT đối với nước dùng cho sinh hoạt và QCVN 6-1:2010/BYT đối với nước uống trực tiếp.

Kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước sinh hoạt sau xử lý được tiến hành hai lần tại năm trường (do CDC Hà Giang cung cấp) đều không còn vi khuẩn và đạt Quy chuẩn quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT. Kết quả xét nghiệm chất lượng nước tinh khiết RO (nước uống trực tiếp) tại năm trường đều không có vi khuẩn, hàm lượng các chất kim loại nặng,chất độc hại, nấm mốc cũng không tồn tại và đạt Quy chuẩn quốc gia QCVN 6-1:2010/BYT.

Ông Cao Hồng Kỳ, chủ nhiệm dự án chia sẻ, mô hình cấp nước sạch và nước uống trực tiếp quy mô bán công nghiệp đầu tiên được đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo nguyên tắc: Nhà tài trợ đầu tư hỗ trợ thiết bị và kỹ thuật 80% kinh phí, địa phương thực hiện đối ứng 20% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt. Hệ thống thiết bị xử lý cấp nước sạch và nước uống trực tiếp được lựa chọn với công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất: Công nghệ lọc nước tinh khiết với màng lọc RO kết hợp khử trùng bằng Cloramin B, sử dụng lõi lọc nano và đèn UV diệt khuẩn. Dự án đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch và nước uống trực tiếp cho 3.240 học sinh, sinh viên, cán bộ và giáo viên của các trường thụ hưởng từ dự án.

Đáng kể, mô hình có nhiều ưu điểm nổi bật như: Hệ thống được thiết kế với kiểu dáng công nghiệp hiện đại, chi phí lắp đặt, vật tư thay thế không cao; dễ dàng thao tác sử dụng, công tác vận hành, bảo trì đơn giản; điện năng tiêu thụ thấp; hệ thống hoạt động ổn định tùy theo nguồn cấp nước đầu vào, bảo đảm cung cấp đủ nước cho nhu cầu sử dụng của mỗi trường đã được thiết kế và phù hợp với mô hình tự quản đối với mỗi đơn vị trường học, cụm dân cư. Đặc biệt, công nghệ RO lọc thẩm thấu ngược được trang bị hệ thống các van đóng mở, sục rửa tự động cho phép làm sạch màng sau mỗi chu kỳ sục rửa tự động, thiết bị thu hồi nước thải tuần hoàn, nâng cao hiệu suất hoạt động và tiết kiệm tối đa nguồn nước đầu vào.

Tham quan thực tế mô hình cấp nước sạch và nước uống học đường tại các trường được dự án tài trợ, ông Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang, nhận xét: “Đây là mô hình cấp nước sạch kiểu mẫu, cần nhân rộng, góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, và người dân trong tỉnh được sử dụng nước sạch và giúp tăng cường sức khỏe, an toàn cho cộng đồng”

 

message zalo