Đang tải...
Ngày đăng: 10/03/2020
NHCSXH TP Cần Thơ chủ động tham mưu UBND thành phố và các sở, ban, ngành liên quan triển khai hiệu quả nguồn vốn này. Các dự án được xem xét, cho vay gồm: các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch; các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, gồm: hố xí hoặc hố xí kèm bể biogas, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; xử lý nước thải, rác thải khu vực làng nghề nông thôn. Đối tượng được hưởng tín dụng này là các gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn và chưa bảo đảm vệ sinh. Kết quả, từ năm 2006 đến hết tháng 2-2020, Chi nhánh NHCSXH thành phố giải ngân cho 86.230 hộ vay, với số tiền gần 877,5 tỉ đồng. Qua đó, giúp người dân xây dựng 77.607 công trình nước sạch, 94.853 công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện sức khỏe người dân.
Năm trước, anh Phạm Quốc Toàn, ngụ ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai xây nhà mới. Nhờ địa phương hỗ trợ, giới thiệu vay vốn NHCSXH được 20 triệu đồng từ chương trình cho vay NS&VSMT, anh Toàn lắp đặt đồng hồ nước, hệ thống ống dẫn nước sạch, xây nhà vệ sinh phục vụ sinh hoạt thuận tiện, đảm bảo vệ sinh. Anh Toàn cho biết: “Trước khi kéo nước sạch, nhà tôi dùng mô tơ kéo nước sông và nước giếng lên sử dụng. Sợ lâu dài không đảm bảo sức khỏe nên khi cất nhà mới, tôi đăng ký vô nước máy để sử dụng. Vốn vay NHCSXH lãi suất thấp, cách trả dễ dàng nên chúng tôi rất yên tâm”.
Theo ông Nguyễn Văn Quẩn, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ở ấp Thới Thuận, từ khi ấp có nước sạch kéo về, khoảng 2 năm nay, rất nhiều bà con trong ấp vay vốn lắp đặt đồng hồ nước và xây nhà vệ sinh. Nguồn vốn này góp phần giúp cho tất cả hộ dân trong ấp được sử dụng nước sạch và hố xí hợp vệ sinh. Anh Lê Văn Tài, ngụ ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, cũng nhờ vay vốn NHCSXH để vô nước sạch và xây dựng nhà vệ sinh ngay khi hệ thống nước sạch được lắp đặt đến địa bàn ấp. Trước đó, gia đình anh Tài sử dụng nước sông lắng phèn để sinh hoạt, ăn uống. Vay 12 triệu đồng trong thời hạn 5 năm, hằng tháng gia đình anh Tài cân đối chi tiêu, đóng lãi và gửi tiết kiệm gần 300.000 đồng, đảm bảo trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn.
Ông Trần Minh Tánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Thạnh, cho biết: “Hội đang có 17 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn NHCSXH, quản lý dư nợ khoảng 21 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay NS&VSMT chiếm khoảng 12 tỉ đồng. Khâu tư vấn, bình xét cho vay và quản lý nợ được các tổ làm rất tốt, chương trình vay lãi suất phù hợp, cách trả linh hoạt nên lâu nay bà con trả nợ, lãi đầy đủ, chưa từng có nợ xấu”.
Từ năm 2006 đến 2019, toàn huyện Thới Lai có 26.090 hộ vay vốn chương trình NS&VSMT, với số tiền 211,8 tỉ đồng. Ông Phạm Văn Kiệt, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thới Lai, cho biết: “Quá trình triển khai nguồn vốn này từ 2006 đến nay, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh, nâng mức cho vay để phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, mức cho vay tối đa là 10 triệu đồng/1 công trình. Bên cạnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, sự phối hợp chặt chẽ của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, bảo đảm nguồn vốn giải ngân nhanh, kịp thời để phục vụ tốt nhu cầu của người dân”. Từ 2006 đến nay, nguồn vốn này đã hỗ trợ người dân xây dựng, cải tạo và sửa chữa hơn 49.180 công trình nước sạch và vệ sinh, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thới Lai.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, dư nợ chương trình này của toàn thành phố là 479,8 tỉ đồng với 37.698 hộ còn vay vốn. Trong đó, nợ quá hạn của chương trình chỉ chiếm 0,10% so với tổng dư nợ. Thời gian qua, việc triển khai chương trình cho vay này có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, quy định nguồn vốn chỉ được cho vay đối với các hộ ở vùng nông thôn nên nhiều hộ ở phường hay kể cả thị trấn thuộc huyện cũng không được tiếp cận nguồn vốn này. Bên cạnh đó, mức cho vay tối đa là 10 triệu đồng/1 công trình còn chưa phù hợp với tình hình giá cả nguyên vật liệu hiện nay. Để đáp ứng phần nào nhu cầu vay vốn của bà con, thành phố và nhiều quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh,... cân đối ủy thác một phần ngân sách sang NHCSXH cùng cấp ưu tiên cho vay NS&VSMT ở các phường và thị trấn. “Chúng tôi mong rằng, chương trình tiếp tục duy trì, mở rộng đối tượng vay vốn theo nhu cầu thực tế của người dân và nâng mức cho vay phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hướng đến hỗ trợ bà con cải thiện điều kiện sống ngày một an toàn, vệ sinh và tiện lợi hơn” - ông Huỳnh Văn Thuận nói.