Đang tải...
Ngày đăng: 18/11/2024
Theo chính sách mới, mức vay tối đa để thực hiện công trình NS&VSMTNT đã được nâng lên 50 triệu đồng cho 2 công trình, thay vì 20 triệu đồng như trước đây. Cụ thể, mỗi hộ gia đình có thể vay tối đa 25 triệu đồng cho 1 công trình, thay vì chỉ 10 triệu đồng như quy định cũ. Quyết định 10 đã mở ra cơ hội lớn cho các gia đình tại thị trấn và vùng nông thôn có nhu cầu xây dựng mới hoặc sửa chữa công trình cấp nước và vệ sinh.
Mặc dù là địa bàn đô thị nhưng thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình còn 3 khóm: 5, 6, 7 chưa có nguồn nước máy đến nơi. Do đó, sau khi Quyết định 10 có hiệu lực, địa bàn thị trấn Thới Bình đã có 24 hộ dân được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình, với tổng dư nợ 582 triệu đồng.
Gia đình ông Huỳnh Minh Tuấn, Khóm 7, thị trấn Thới Bình, là một trong những hộ đã được hưởng lợi từ chính sách này. Ðang trong quá trình xây dựng nhà, ông Tuấn được tiếp cận nguồn vốn vay 30 triệu đồng để khoan giếng nước và xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Ông Tuấn chia sẻ: “Dù sống ở địa bàn thị trấn nhưng khu vực nhà tôi chưa có nước máy. Nhờ khoản vay này, gia đình có điều kiện sử dụng nguồn nước đảm bảo, góp phần bảo vệ sức khoẻ”.
Ông Sơn Tấn Phát, Phó giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Thới Bình, cho biết: "Ðến nay, chương trình NS&VSMTNT trên địa bàn huyện đã giải ngân hơn 116 tỷ đồng, cho hơn 7.300 hộ dân. Chương trình đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch và điều kiện vệ sinh. Các quy định mới không chỉ tăng mức vay mà còn mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ, giúp nhiều hộ gia đình tại thị trấn cải thiện chất lượng sống. Sự phấn khởi của bà con là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực thực hiện tín dụng chính sách".
Ðiểm đáng chú ý trong Quyết định 10 là việc các thị trấn được tính vào vùng nông thôn, thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản này. Theo ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh, "vùng nông thôn" được định nghĩa là các địa bàn hành chính không bao gồm các phường thuộc thị xã, quận và thành phố. Như vậy, hộ dân ở thị trấn cũng được vay vốn để thực hiện công trình NS&VSMTNT.
Chính sách nhân văn này không chỉ mang lại NS&VSMTNT cho hàng ngàn hộ gia đình mà còn góp phần cải thiện sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường sống. Với hàng chục ngàn khách hàng được vay vốn trong 20 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau đã giải ngân gần 1.050 tỷ đồng cho chương trình này. Ðến nay, gần 65.200 khách hàng vẫn còn dư nợ, cho thấy sự tiếp nhận tích cực của người dân.
Việc cải thiện hạ tầng nước sạch và vệ sinh không chỉ là vấn đề nâng cao đời sống mà còn là bước đi quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về NS&VSMTNT đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Chính sách này sẽ tiếp tục lan toả giá trị nhân văn và bền vững đến từng hộ dân trong thời gian tới./.
Nguồn: Báo Cà Mau