Đang tải...
Ngày đăng: 22/09/2023
Nguồn nước không đảm bảo
Bà Lê Thị Hoa, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân cho biết, để có nước sinh hoạt, gia đình bà đã thuê thợ khoan giếng sâu đến gần 60m và chi phí gần 30 triệu đồng, tuy nhiên nguồn nước lại đục ngầu và có mùi tanh, không thể sử dụng để nấu cơm hay pha trà. Không chỉ có thế, tất cả các dụng cụ sinh hoạt có liên quan đến nguồn nước này đều bám cặn, nhanh hỏng. Không yên tâm cho sức khoẻ, gia đình bà Hoa phải mua một máy lọc nước với giá 3 triệu đồng để lọc rồi mới dám sử dụng.
“Mong muốn nhất hiện nay của gia đình tôi là được lắp nước máy sạch để ăn, đảm bảo sức khỏe cho gia đình” – bà Hoa cho biết.
Anh Lê Trung Thực – người dân xã Thọ Lâm cho biết: Gia đình anh cũng phải khoan giếng để lấy nước. Tuy nhiên, nước bơm lên đục như nước gạo và mùi tanh nồng. Anh Thực đã phải làm một bể lọc nước, nhưng qua 3 lần lọc, nước vẫn đục và có mùi tanh. Bất đắc dĩ anh Thực phải xin từng can nước của các nhà có nguồn nước tốt hơn để phục vụ cho việc sinh hoạt.
“Trước đó, qua kiểm tra của cơ quan chức năng thì họ nói giếng nước nhà tôi bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nên có mùi tanh và được khuyến cáo không nên sử dụng cho sinh hoạt. Lo ngại cho sức khỏe của gia đình nhưng không sử dụng nguồn nước này thì làm gì có nước sinh hoạt?” – anh Thực nói.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Không chỉ xã Thọ Lâm thiếu nước sạch mà tình trạng này phổ biến trên địa bàn huyện Thọ Xuân, đặc biệt là các xã dọc sông Chu như Xuân Bái, Thọ Hải, Xuân Hòa, Phú Xuân, Xuân Thiên, Thọ Diên, Thọ Xương… nguồn nước ngầm không chỉ bị ô nhiễm mà còn bị cạn kiệt, mất nước cục bộ khiến việc sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Để có nước sinh hoạt, nhiều nơi người dân phải khoan giếng sâu đến 60m mới có nước ngầm. Chi phí để có một giếng khoan cũng phải mất đến gần 30 triệu đồng. Tuy nhiên nguồn nước giếng khoan cũng không đảm bảo an toàn cho sức khỏe và cũng không ổn định, nhất là vào những tháng mùa khô khiến người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Người dân không quen... dùng nước sạch
Điều nghe như có vẻ vô lý trên lại đang tồn tại trong thực tế tại nhiều xã của huyện Thọ Xuân. Ông Lý Đình Sĩ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Việc vận động nhân dân dùng nước sạch là vấn đề mới, khó vì đa phần bà con vẫn muốn sử dụng nguồn nước truyền thống từ giếng khơi và giếng khoan để đỡ chi phí lắp đặt đường ống.
Theo ông Sĩ, huyện đã lên kế hoạch tuyên truyền cụ thể như: Xây dựng các clip, các chuyên trang để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của việc dùng nước sạch. Đồng thời giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn về việc phát triển mạng lưới nước sạch đến các hộ dân. Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ, đồng hành cùng nhà máy nước sạch Lam Sơn - Sao Vàng triển khai thi công tuyến ống chính cung cấp nước sạch cho các xã phía Nam sông Chu, mở rộng mạng lưới tuyến ống cung cấp nước sạch cho 26 xã, thị trấn trên địa bàn của huyện Thọ Xuân.
“Thậm chí, để kích cầu người dân sử dụng nước sạch, nhà máy nước sạch Lam Sơn - Sao Vàng cũng có cơ chế chỉ thu 3,5 triệu đồng/hộ để kéo đường ống nước đến đồng hồ (thấp hơn bình quân cả tỉnh là 1,5 triệu đồng/hộ); giảm giá nước tiêu thụ, từ 9.900 đồng/m3 xuống còn 6.600 đồng/m3 và chỉ thống nhất thu một mức giá chung. Tuy nhiên đến nay cũng mới có 6.500 hộ dân sử dụng nước sạch từ nhà máy này”- ông Sĩ chia sẻ.
Trước thực trạng nguồn nước tại nhiều xã bị ô nhiễm, UBND huyện Thọ Xuân đã mời Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) tiến hành lấy ngẫu nhiên và phân tích 36 mẫu nước (24 mẫu nước giếng khoan, 12 mẫu nước qua hệ thống máy lọc RO) trên địa bàn 12 xã của huyện Thọ Xuân. Qua phân tích cho thấy, cả 36 mẫu đều không đạt tiêu chuẩn nước sạch để sử dụng. Nhiều mẫu nước có các chỉ tiêu mangan, nitrit, amoni. ecoli, coliform quá cao với quy chuẩn. Đặc biệt có 35/36 mẫu có chỉ tiêu coliform vượt giới hạn cho phép rất nhiều lần như hộ bà Lê Thị Bảy – thôn 6, xã Bắc Lương phát hiện chỉ tiêu coliform gấp 11.667 lần giới hạn cho phép.
Từ kết quả phân tích trên, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn khuyến cáo người dân nếu vẫn sử dụng về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Trung tâm này cũng đề nghị UBND huyện Thọ Xuân chỉ đạo UBND các xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân đấu nối sử dụng nguồn nước sạch từ Nhà máy cấp nước tập trung thay thế các nguồn nước giếng nhằm đảm bảo sức khỏe, giảm thiểu các bệnh tật liên quan đến việc sử dụng nước chưa đạt quy chuẩn.
Bên cạnh việc nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, thì nguồn nước của các giếng khoan của các hộ dân sinh sống dọc sông Chu cũng bị cạn kiệt. UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện xác định cụ thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước và đề xuất các biện pháp giải quyết.