Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Hạn mặn bủa vây, dân miền Tây ùn ùn đi hứng nước miễn phí

Ngày đăng: 14/02/2020

 

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết từ trước Tết Nguyên đán 2020, tỉnh đã chủ động trong việc đối phó với tình trạng hạn mặn.

Tại vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh đã chủ động lấy nước ngọt vào kênh để dự trữ, các tuyến kênh nhỏ hơn nằm sâu phía trong sẽ được bơm chuyền nước từ những nhánh kênh chính lên để trữ nước phục vụ sinh hoạt.

Về cấp nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh đã thi công và vận hành 8 giếng khoan bổ cấp nguồn nước cho khu vực nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức. Đồng thời mở 42 vòi nước công cộng cho người dân các huyện phía đông sử dụng nước miễn phí.

Theo quan trắc, hiện trên sông Tiền, độ mặn 2,9 phần ngàn đã tiến sâu vào cù lao Ngũ Hiệp, cách biển 81km. Độ mặn 3,1 phần ngàn cũng tiến sâu vào sông Hàm Luông, cách cửa biển 75km. Riêng sông Vàm Cỏ, độ mặn 7,6 phần ngàn đã vào đến thành phố Tân An, cách cửa biển 75km. Với độ mặn cao, lấn sâu vào các nhánh sông chính như hiện nay, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất còn diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt Bến Tre.

Hiện nay, hầu hết các nhà máy nước ở Bến Tre đã bị nhiễm mặn, nước máy người dân sử dụng đều chỉ có thể tắm giặt chứ không dùng nấu nướng được. Việc sản xuất hoa màu của người dân cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do độ mặn trong các tuyến kênh nội đồng đã ở mức cao.

Ở Giồng Trôm, nhiều nơi độ mặn đo được lên đến 5 phần ngàn. Hơn 5.000ha lúa vụ 3 của người dân bị ảnh hưởng và dự báo sẽ mất trắng.

Tại tỉnh Bạc Liêu, theo Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm này vẫn cơ bản đủ nước ngọt cho sản xuất vụ đông xuân của địa phương.

Riêng khu vực thị xã Giá Rai, mực nước kênh rạch đã xuống thấp đến -0,9m. Việc bơm tát phục vụ sản xuất gặp khó khăn do ở cuối nguồn nước ngọt và các huyện đầu nguồn (Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long) bơm trữ nhiều nước lên đồng ruộng sau tết.

Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, với tiểu vùng giữ ngọt ổn định nguy cơ thiếu nước ngọt dự kiến 5.400ha, nguy cơ xấu nhất diện tích có thể tăng lên đến 6.000ha; đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất, dự kiến 5.000ha tôm bị thiệt hại.

Thời gian khó khăn và căng thẳng nhất của Bạc Liêu dự báo rơi vào khoảng tháng 3.

Hiện ngành nông nghiệp Bạc Liêu khuyến cáo áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm cho lúa đông xuân năm 2019-2020; tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng.

Trong trường hợp khẩn cấp, toàn tỉnh sẽ tiến hành đắp 380 đập tạm để tổ chức bơm chuyền trữ nước ngọt cho vụ đông xuân.

 

Một ao chứa nước sinh hoạt của người dân ở Tiền Giang bị nhiễm mặn không dùng được

 

Chưa được xuống giống vụ hè thu

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), đến nay tổng cộng thiệt hại lúa ở các mức độ vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 khoảng 29.700 ha (vụ mùa 16.000ha, đông xuân 13.700ha).

Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo thời gian tới, các diện tích đã thu hoạch lúa đông xuân chưa được xuống giống vụ hè thu ngay, chỉ xuống giống khi xâm nhập mặn giảm, nguồn nước bảo đảm cung cấp.

Tổng cục Thủy lợi cũng đề xuất Chính phủ đưa nội dung liên quan đến việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vào nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Trong đó bao gồm nội dung hỗ trợ kinh phí từ ngân sách dự phòng trung ương để các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

Các chi phí cần hỗ trợ bơm nước, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng trữ nước, khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sạch, lắp thêm vòi nước công cộng, các thiết bị trữ nước, lọc nước mặn thành nước ngọt, chở nước sinh hoạt.

 

message zalo