Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

HÀ Nội: Thanh Oai tập trung giải bài toán nước sạch

Ngày đăng: 15/10/2024

Nằm ở phía Nam TP, nguồn nước sinh hoạt của huyện Thanh Oai chịu tác động lớn từ tình trạng ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ. Điều này đang ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân địa phương.

 

Trạm cấp nước sạch liên xã Thanh Thùy - Tam Hưng.

  

70% người dân chưa được dùng nước sạch

Dẫn chúng tôi ghé thăm hệ thống lọc nước sạch, chị Nguyễn Thị Bình, ở thôn Thạch Nham (xã Mỹ Hưng) cho biết, 2 năm trước, gia đình chị vẫn sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, do nằm ven sông Thạch Nham, một nhánh của sông Nhuệ đang bị ô nhiễm nặng, nên nguồn nước không đảm bảo. Nước có màu vàng đục và mùi tanh, dấu hiệu chứa các kim loại nặng. Một số hộ khá giả trong thôn có thể đầu tư hàng triệu đồng mua máy lọc nước, nhưng với những gia đình nghèo như chị Bình, việc bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua máy lọc nước là không thể. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của hơn 2 năm về trước. Năm 2013, UBND huyện Thanh Oai phối hợp với Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn (Sở NN&PTNT) tổ chức khảo sát, lắp đặt miễn phí hệ thống lọc nước sạch cho 2.500 hộ nghèo, chính sách trên địa bàn huyện. Nhờ đó, gia đình chị Bình cùng 280 hộ khác thuộc thôn Thạch Nham đã có nước sạch sử dụng.  

 Cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng của nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm, 300 hộ dân thôn Cự Đà (xã Cự Khê) mới đây cũng đã được cung cấp nước sạch. Đó là nhờ Trạm cấp nước sạch thôn Cự Đà được TP xã hội hóa đầu tư, nâng cấp, đưa vào vận hành. Tuy nhiên, những trường hợp nêu trên nằm trong số ít ỏi 30% cư dân trên toàn địa bàn huyện Thanh Oai đang được sử dụng nước sạch. Theo thống kê của Phòng Kinh tế, 70% dân số trên địa bàn huyện đang phải sử dụng nước giếng khoan, nước mưa cho sinh hoạt. Điều đáng nói là chất lượng nước không đảm bảo do bị ô nhiễm nặng các hợp chất như asen, sắt, amoni… Điều này đang ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân địa phương.   

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Nhiều năm qua, vấn đề nước sạch luôn được huyện Thanh Oai coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 3 trạm cấp nước sạch được xã hội hóa, đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho các xã Cự Khê, Xuân Dương và thị trấn Kim Bài. Thực hiện chương trình cấp nước sông Đà tại 2 xã Bích Hòa, Cao Viên, đến nay đã có 2.196 hộ ở xã Bích Hòa được sử dụng nước sạch, bằng 80% số hộ toàn xã. Tại xã Cao Viên, hệ thống đường ống cũng được hoàn tất, dự kiến cấp nước trong quý I/2016. 

Bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, từ năm 2013 - 2015, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn hỗ trợ lắp đặt 2.500 thiết bị lọc nước cho các hộ nghèo và gia đình chính sách. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa, cách thức của việc sử dụng nước sạch. Nhờ vậy, người dân địa phương đã chủ động hơn trong tiếp cận với các nguồn nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, bà Dung cũng thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước sạch  còn thấp so với mặt bằng chung toàn TP.

Nhằm nâng cao tỷ lệ cư dân trên địa bàn huyện được tiếp cận với nước sạch, bà Lê Thị Hà - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai kiến nghị, Sở NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ các dự án dang dở gồm: Trạm cấp nước sạch liên xã Đỗ Động - Kim An - Kim Thư - Phương Trung (ngân sách của TP) và dự án Tam Hưng - Thanh Thùy (vốn vay từ Ngân hàng Thế giới). Bên cạnh đó, đề xuất TP quan tâm, xem xét cho phép mở rộng Trạm cấp nước sạch xã Cự Khê. Đây là những dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ góp phần mang nước sạch đến với hàng vạn cư dân trên địa bàn huyện.

 Cuối tuần qua, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) tổ chức Lễ khởi công dự án Trạm cấp nước sạch liên xã Tam Hưng - Thanh Thùy. Dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng mức đầu tư 94,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn WB tài trợ chiếm 60%, vốn TP vay 30%, còn lại 10% là kinh phí đóng góp của Nhân dân 2 xã Tam Hưng và Thanh Thùy. Dự án có công suất 3.300m3/ngày đêm, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho khoảng 24.589 hộ dân. Đây là công trình thứ 4 được khởi công (sau dự án Trạm cấp nước sạch liên xã tại Phong Vân - Cổ Đô, huyện Ba Vì; Tam Hiệp - Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ và Hương Sơn - Mỹ Đức nằm trong tổng số 7 dự án cấp nước quy mô xã và liên xã thuộc Chương trình PforR do WB tài trợ. 

 

 Nguồn: Báo Kinh tế đô thị

 

 

message zalo