Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Hà Nam: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước sạch

Ngày đăng: 16/03/2024

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 41 nhà máy nước sạch tập trung với tổng công suất 175.000m3/ngày đêm với số hộ được sử dụng nước sạch đạt trên 96%. Nguồn nước cấp từ sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, sông Sắt. Thời gian qua, ở một số địa phương đã xảy ra hiện tượng nước vẩn đục hoặc có mùi ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Qua tìm hiểu được biết, bên cạnh nguồn nước mặt ô nhiễm, tình trạng xây dựng đường giao thông làm đường ống bị nứt, vỡ; một số hộ sử dụng bể chứa nước lâu ngày không thau rửa thường xuyên, cá biệt có hộ sử dụng chung bể cả hai nguồn nước (nước mưa, nước máy)... Những nguyên nhân trên dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm.

Để nâng cao chất lượng cấp nước sạch, ngày 6/2/2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND tỉnh về quản lý công trình nước sạch tập trung nông thôn và quy định trách nhiệm của đơn vị quản lý công trình nước sạch tập trung nông thôn. Trong đó, đối với người dân sinh sống ven các sông cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xả thải, không được xả thải ra hệ thống sông, kênh mương, hồ lắng. Các hộ gia đình cần thường xuyên thau rửa bể, thùng chứa nước sạch.

Về phía chính quyền địa phương, tích cực tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở và kiên quyết xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, chính quyền cơ sở, đơn vị cấp nước và nhà thầu thi công trong quá trình xây dựng công trình giao thông trên địa bàn ảnh hưởng đến đường ống nước để kịp thời khắc phục sự cố. Tránh để tình trạng nước rò rỉ ra ngoài gây mất vệ sinh môi trường nông thôn, lãng phí tài nguyên, thiệt hại cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, niêm yết phiếu xét nghiệm chất lượng nước tại nơi công cộng như: trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn để nhân dân giám sát, theo dõi. Đồng thời, yêu cầu các nhà máy vệ sinh sạch sẽ cụm lắng lọc, giám sát chặt chẽ chất lượng nước đầu ra.

 

Ông Vũ Kim Hà, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam cho biết: 3 nhà máy cấp nước từ sông Hồng, tổng công suất đạt hơn 6.700 m3/ngày đêm phục vụ cho 26 nghìn hộ của 11 xã ở huyện Lý Nhân của công ty đều lắp đặt thiết bị nhập ngoại hiện đại. Công ty duy trì lấy mẫu kiểm nghiệm 3 ngày một lần và có ghi nhật ký theo dõi (nội kiểm), mỗi tháng một lần ngoại kiểm tại CDC Hà Nam. Hiện nguồn nước sạch của các nhà máy cung cấp luôn đạt tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch do Bộ Y tế quy định.

Công ty xây dựng Mỹ Đà hiện nay đang cấp nước sạch cho các địa phương trên địa bàn các huyện: Lý Nhân, Bình Lục, thành phố Phủ Lý. Ông Phạm Văn Nam, Phó giám đốc Công ty cho biết: Thời gian qua, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra đường ống để kịp thời xử lý sự cố phát sinh; thường xuyên xúc rửa vệ sinh đường ống, tăng hóa chất xử lý bảo đảm thời gian, áp lực và cung cấp đầy đủ nguồn nước sạch phục vụ khách hàng. Cùng với đó, chủ động thay thế trang thiết bị kỹ thuật, quy trình vận hành, hệ thống xử lý và vệ sinh toàn bộ khu vực vùng bảo hộ lấy nước. Do vậy, chất lượng nước sản xuất tại các nhà máy của công ty hiện nay bảo đảm tiêu chuẩn; khi xét nghiệm, kiểm chứng mẫu nước hằng tháng tại CDC Hà Nam luôn đạt tiêu chuẩn quy định.

Thực hiện Thông tư số 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt trên địa bàn, những năm qua các ngành chức năng của tỉnh tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch tại các nhà máy. Ông Trần Đắc Tiến, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Qua theo dõi, các nhà máy cấp nước sạch ở tỉnh ta đều nghiêm túc thực hiện công tác nội kiểm hằng tháng và báo cáo kết quả xét nghiệm chất lượng nước về UBND tỉnh. Có thông báo về UBND xã để niêm yết ở trụ sở nhà văn hóa thôn. Năm 2023, tất cả các mẫu nội, ngoại kiểm của các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn. Đầu năm 2024, trung tâm xây dựng kế hoạch và đang tiến hành kiểm tra ngoại kiểm tại 36 đơn vị.

Để bảo đảm chất lượng và nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt các sở, ngành, UBND phường, xã, thị trấn, các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp trong kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chủ động phương án xử lý để ứng phó kịp thời sự cố nhằm duy trì hoạt động cấp nước liên tục, an toàn cho người dân. Ngành chức năng thường xuyên lấy mẫu nước để kiểm tra, giám sát nguồn nước đầu vào tại các sông, tại nhà máy; kịp thời phát hiện tình trạng người dân, doanh nghiệp xả chất thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm nguồn nước. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người dân về vệ sinh môi trường nông thôn, không sử dụng nước ngầm, nguồn nước không bảo đảm chất lượng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

 

message zalo