Đang tải...
Ngày đăng: 11/09/2024
Theo quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có khoảng 40 nhà máy cung cấp nước sạch. Nguồn cấp nước chính đầu vào của các nhà máy là nguồn nước mặt sông Hồng và sông Đáy. Nếu nguồn sông Đáy bị ô nhiễm sẽ sử dụng nước sông Hồng là nguồn cấp đầu vào chính. Thời gian qua, nhiều công ty trên địa bàn tỉnh đã tập trung khai thác nước sông Hồng để làm nguồn cấp đầu vào cho các nhà máy, từng bước nâng cao chất lượng nước sinh hoạt phục vụ các hộ dân.
Mục tiêu quy hoạch nhằm duy trì thực hiện dịch vụ cấp nước ổn định, an toàn, bảo đảm chất lượng tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định: Đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có khoảng 40 nhà máy cung cấp nước sạch; tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại khu vực nông thôn đạt 100%; dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày đối với khu vực thành thị; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 15% tại các đô thị, dưới 20% tại khu vực nông thôn. Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt đối với thành phố Phủ Lý giai đoạn 2030 là 150-180 lít/người ngày đêm. Đối với khu vực đô thị còn lại là 120 - 150 lít/người ngày đêm. Đối với khu vực nông thôn đến năm 2030 là 100 lít/người ngày đêm. Tiêu chuẩn cấp nước công nghiệp tập trung 22-25m3/ha ngày đêm.
Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung khai thác nước sông Hồng để làm nguồn cấp đầu vào cho các nhà máy cung cấp nước sạch. Điển hình như Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam đã đưa vào hoạt động ổn định Nhà máy nước sạch ở khu vực xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên). Đây là nhà máy nước sạch khai thác nguồn nước mặt của sông Hồng để xử lý thành nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân trong tỉnh. Theo thiết kế, nhà máy được xây dựng trong 2 giai đoạn, trong đó công suất giai đoạn I là 60 nghìn m3/ngày, đêm và giai đoạn II là 120 nghìn m3/ngày, đêm.
Ông Phạm Trọng Khôi, Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam cho biết: Ưu điểm của nước sông Hồng hiện nay là dòng chảy nhanh, nguồn nước thô bảo đảm, tỷ lệ ô nhiễm ít hơn so với sông Đáy và sông Châu. Để chủ động nguồn cấp đầu vào phục vụ cho nhà máy ở xã Mộc Nam, công ty đã xây dựng một hồ chứa lớn để lắng phù sa, sau đó mới bơm lên khu vực xử lý theo quy trình. Hiện tại, khách hàng ở thị xã Duy Tiên, Khu Công nghiệp Đồng Văn I, II, III và phần lớn khách hàng ở khu vực nội thị thành phố Phủ Lý đang sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Hồng. Đặc biệt, khi đưa nhà máy nước sông Hồng vào hoạt động ổn định, doanh nghiệp sẽ hạn chế dần việc khai thác nguồn cấp đầu vào ở sông Đáy. Trong trường hợp nước sông Đáy bị ô nhiễm, công ty sẽ khai thác nước sông Hồng làm nguồn cấp đầu vào để xử lý thành nước sạch phục vụ dân sinh.
Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam cũng là đơn vị đang khai thác nước sông Hồng làm nguồn cung đầu vào cho nhà máy ở xã Nguyên Lý và Hợp Lý (Lý Nhân). Công trình nước sạch ở xã Hợp Lý và Nguyên Lý phục vụ nhân dân 9 xã phía bắc huyện Lý Nhân. Công trình nước sạch ở xã Nguyên Lý được khởi công xây dựng từ năm 2012, có công suất 2.800 m3/ngày, đêm. Đây là công trình được đầu tư tương đối hiện đại, khai thác nước sông Hồng làm nguồn cấp đầu vào để xử lý thành nước sạch phục vụ dân sinh. Đối với nhà máy cấp nước tại xã Hợp Lý, theo thiết kế ban đầu khai thác nguồn cấp từ sông Châu, sau đó Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam đã xin xây dựng đường ống lấy nguồn cấp từ sông Hồng. Hiện tại hai nhà máy này đang hoạt động tương đối ổn định, bảo đảm cấp nước sinh hoạt đầy đủ cho người dân.
Những năm gần đây, nước sông Châu, sông Nhuệ, sông Đáy đều bị ô nhiễm nặng do chịu ảnh hưởng của nguồn xả thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, nguồn nước ô nhiễm từ Thành phố Hà Nội chảy về. Trong khi đó, lưu lượng dòng chảy các sông này đều chậm, gây khó khăn cho việc xử lý nước ô nhiễm nên về lâu dài việc khai thác nước sông Châu, sông Đáy, sông Nhuệ làm nguồn cấp đầu vào cho các nhà máy sẽ không hiệu quả và khó bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt. Do đó, việc triển khai quy hoạch lấy nguồn cấp đầu vào của các nhà máy là nước mặt sông Hồng là rất quan trọng và cần thiết. Theo đánh giá từ các ngành chức năng, nếu so với nước sông Châu, nguồn cấp đầu vào từ sông Hồng tốt hơn hẳn. Với hạn chế của nước sông Hồng là phù sa nhiều, các công ty cấp nước sạch đã xây dựng hệ thống hồ chứa nước thô để lắng phù sa, sau đó mới bơm lên khu vực xử lý, bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt của các nhà máy phục vụ dân sinh.
Tác giả:
Nguồn: Báo Hà Nam