Đang tải...
Ngày đăng: 20/11/2022
Đó là dấu mốc quan trọng, chấm dứt hành trình “ngược xuôi” lo nước sinh hoạt của cả thầy và trò ở ngôi trường giáp biên đầy khắc nghiệt…
Những ngày khô hanh kéo về cũng là thời điểm nhiều địa bàn vùng cao ở huyện biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) bước vào “mùa khát”. Những con suối chạy dọc theo biên giới thường xuyên nhộn nhịn bởi những tốp người tắm, giặt và đi lấy nước. Khó khăn nhất phải kể đến là những ngôi trường với hàng nghìn học sinh theo học.
Trái ngược với những hình ảnh năm cũ, thời điểm này tại Trường PTDTBT THCS Phìn Hồ lại ngập tràn niềm vui. Chiếc giếng khoan, với dòng nước trong vắt, mát lành như giải tỏa “cơn khát” cho hàng trăm cô cậu học trò miền núi.
“Để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, như: Tắm, gội, vệ sinh…, học sinh phải ra mó nước. Mó này cách xa khu bán trú, nguồn nước lại không đảm bảo vệ sinh nên học sinh vất vả mà thầy cô cũng không thể yên tâm. Kể từ khi nhà trường được đầu tư công trình giếng khoan mới thì toàn bộ khó khăn, vướng mắc trên đều được tháo gỡ”, thầy Tâm cho hay.
Không giấu được niềm phấn khởi, thầy Nguyễn Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, với gần 200 học sinh ở bán trú nên nước sinh hoạt luôn là nỗi lo thường trực mỗi khi bước vào mùa khô. Mặc dù được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trong đó có 1 giếng khoan, song chỉ đủ để phục vụ nấu ăn.
Bước sang năm thứ 4 theo học tại trường, cậu bé Thào A Sình, lớp 9A2 hiểu rõ nhất những khó khăn khi sinh hoạt, học tập trong bối cảnh hiếm hoi nguồn nước. Sình tâm sự, trước đây mỗi ngày sau khi tan học em và các bạn phải cuốc bộ khoảng 1km mới đến mó nước để tắm, giặt.
“Mùa mưa khổ lắm, vì nước đục ngầu, phải lọc, gạn kỹ mới dùng được. Còn mùa đông thì trời lạnh và tối sớm. Cứ xuống đến mó là trời đã nhá nhem, sương giăng lạnh lắm. Giờ có giếng khoan dẫn nước sạch về tận khu nội trú, em và các bạn mừng lắm”, Sình bộc bạch.
Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học Si Pa Phìn nhiều năm qua chưa có công trình cung cấp nước sạch nào. Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Phong, mọi sinh hoạt của giáo viên, học sinh đều tại con suối nhỏ chạy dọc địa bàn.
“Cứ chiều đến là con đường mòn ngoằn ngoèo từ trường xuống suối dài hơn 1km nhộn nhịp. Học sinh vác theo quần áo, can nhựa xuống suối một công đôi việc. Vừa tắm giặt, vừa mang nước về dùng cho ngày hôm sau. Nước không đảm bảo chất lượng đã đành, nhưng học sinh ở đây còn nhỏ, để các em xuống suối chúng tôi cũng không thể yên tâm nên giáo viên phải đi theo. Cứ mỗi thầy cô lại quản lý, quán xuyến 1 nhóm”, thầy Phong thông tin.
Những ngày thiếu nước vất vả bao nhiêu, thì ngày khánh thành chiếc giếng khoan đầu tiên tại trường rạng rỡ bấy nhiêu. Như tâm sự của thầy Phong, mọi khó khăn “dồn nén” bao năm, giờ được hóa giải nên cảm xúc cả thầy và trò đều “vỡ òa”.
“Nhà trường được đầu tư 2 giếng tại 2 điểm khó khăn nhất là trung tâm và Nậm Chim 1, với gần 370 học sinh ở nội trú. Do được đầu tư 12 téc dung tích lớn, nhà trường thường xuyên bơm và tích trữ nước nên thoải mái phục vụ cho nhu cầu của giáo viên, học sinh tại chỗ. Với nguồn nước hiện tại thì có thể đảm bảo nhu cầu sử dụng trong cả thời gian cao điểm mùa khô”, thầy Phong nói.
Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết, từ cuối năm học trước, để đón đầu “mùa khát”, ngành đã yêu cầu các nhà trường rà soát nhu cầu về nước sạch. Trên cơ sở này tham mưu chính quyền địa phương ra lời kêu gọi và khởi động chương trình “Nước cho em”. Những chiếc giếng khoan mang nước sạch về trường học kể trên là kết quả từ sức lan tỏa của chương trình này.
“23/43 trường học các cấp tại huyện có mô hình bán trú, với trên 13.200 học sinh ở nội trú. Trong đó, nhiều trường số lượng học sinh ở tại chỗ đông (800 - 1.000 em) dẫn tới tình trạng thiếu nước khá trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Trên cơ sở này, ngành đã thống kê, tổng hợp dách sách nhu cầu để huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng”, ông Chiến cho hay.
Đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn của thầy trò biên giới, Nhóm Thiện nguyện Viet Nam Gotami đã vận động, quyên góp hưởng ứng phong trào. Với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng, nhóm hỗ trợ xây dựng 7 giếng khoan cho các trường học tại 2 xã khó khăn nhất là Vàng Đan và Nà Bủng.
Theo thầy Nguyễn Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Vàng Đán, từ tháng 5, khi nhận được thông tin nhóm thiện nguyện tổ chức khảo sát, hỗ trợ xây dựng giếng khoan nước sạch, tập thể nhà trường rất phấn khởi.
Trường lựa chọn 2 điểm trường thiếu nước nghiêm trọng nhất là Huổi Khương 1 và Nộc Cốc để ưu tiên triển khai trước. “Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ góp phần đảm bảo nguồn nước uống hợp vệ sinh, mà còn tiếp thêm động lực để tập thể sư phạm nhà trường nỗ lực vượt khó, bám biên giới, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ giáo dục đào tạo”, thầy Thành nói.
Còn theo lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương, bên cạnh việc kêu gọi sự chung tay từ các nhà hảo tâm trong cả nước, huyện cũng phát huy nội lực. Thông qua lễ phát động ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đến nay phong trào đã tiếp nhận gần 400 triệu đồng, cùng nhiều hiện vật trị giá khoảng hơn 70 triệu đồng.
“Ngay khi tiếp nhận nguồn kinh phí này, ngành đã triển khai khoan 18 giếng trên toàn địa bàn. Trong đó, ưu tiên trước cho các trường khan hiếm về nguồn nước và có số lượng học sinh ở bán trú đông. 7 giếng khoan đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, với nguồn nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập tại chỗ của giáo viên và học sinh các nhà trường”, ông Chiến cho hay.
Với mục tiêu 100% học sinh các trường có đủ nước sinh hoạt bảo đảm an toàn, vệ sinh, thời gian tới phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với các ngành liên quan khảo sát, duy tu, bảo dưỡng hệ thống nước sạch cho các nhà trường. Đồng thời, ngành tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ để đưa nước sạch về trường. - Ông Ngô Xuân Chiến