Đang tải...
Ngày đăng: 09/03/2020
Xã Ia Ka (huyện Chư Pah) có 2 thôn và 7 làng với trên 1.700 hộ. Toàn xã có 189 hộ nghèo (chiếm 9,8%) và 608 hộ cận nghèo (chiếm 31,95%). Hiện chỉ có khoảng 50% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều hộ không xây dựng nhà tiêu, còn thói quen phóng uế bừa bãi.
Bà Rơ Châm H’Ngoan-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới, toàn xã có 102 hộ dân được hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, mỗi hộ 50 USD (tương đương 1,1 triệu đồng), qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn.
Trước đây, do thói quen và điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình chị Rơ Châm Avưn (làng Mrông Ngó 3) không làm nhà tiêu. Chị Avưn kể: “Khi xã thông báo về việc được hỗ trợ 1,1 triệu đồng xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, tôi rất mừng. Gia đình tôi liền góp thêm 1 triệu đồng để xây dựng”. Nhà anh Siu Djiuh (cùng làng) thì tận dụng tôn có sẵn, thêm công lao động để thực hiện nên không phải bù thêm chi phí. “Cán bộ xã đã tuyên truyền, chỉ rõ tác hại, ảnh hưởng đối với sức khỏe và môi trường do không có nhà tiêu hợp vệ sinh. Mình hiểu ra vấn đề nên quyết định xây ngay”-anh Djiuh chia sẻ.
Trong khi đó, tại làng Mrông Ngó 4 (xã Ia Ka) cũng chỉ có khoảng 30% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trưởng thôn Ksor Vek cho hay: “Ngoài 13 hộ được hỗ trợ, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để góp phần phòng-chống dịch bệnh”.
Nhiều hộ dân tại tỉnh đã xây dựng công tưới nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh. |
Cũng được hỗ trợ từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) có 40 hộ được hỗ trợ kinh phí xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo bà Đoàn Thị Bình-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dom, cùng với sự hỗ trợ của chương trình, UBND xã đã trích thêm kinh phí từ nguồn vệ sinh môi trường, Công ty TNHH một thành viên Cao su 72 (Binh đoàn 15) hỗ trợ thêm 34 triệu đồng để triển khai xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 67 hộ nghèo và cận nghèo. Kinh phí xây dựng mỗi nhà tiêu trung bình là 2 triệu đồng. Ông Rơ Mah Djăt (làng Mook Trang) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi là hộ cận nghèo, nhà mới xây xong nhưng không có công trình phụ. Bây giờ được hỗ trợ làm nhà tiêu, tôi mừng lắm”.
Xã Ia Dom có 7 thôn, làng với trên 2.000 hộ, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 45%. Nhiều người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật sự quan tâm đến việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. “Do đó, công tác tuyên truyền sẽ được tăng cường trong thời gian tới nhằm giúp người dân thay đổi thói quen, tiến tới xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phòng-chống dịch bệnh”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dom nhấn mạnh.