Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Đưa nước sinh hoạt về vùng cao Lai Châu

Ngày đăng: 27/11/2023

 

Năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Nga ở bản Mồ Sì Câu, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ đã được sử dụng nước sạch ngay tại nhà. Không còn cảnh lỉnh kỉnh xô, thùng đi gánh nước mỗi chiều, giờ chỉ cần mở đồng hồ là nước chảy về bể, rồi sử dụng bao nhiêu thì sử dụng, không phải lo đang dùng thì hết nước.

Chị Nga vui mừng cho biết, Nhà nước đầu tư nguồn nước hỗ trợ cho người dân vùng cao rất hợp lý. Chúng tôi có nước để dùng, sinh hoạt thuận lợi, những việc như giặt giũ, vệ sinh trong gia đình, muốn sử dụng lúc nào cũng được.

Không chỉ chị Nga, cả bản Mồ Sì Câu đều vui mừng khi đã chấm dứt cảnh đi gánh nước hàng cây số vừa vất vả, tốn thời gian, nguồn nước lại không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Có nước về bản, người dân chủ động được việc sinh hoạt hằng ngày của gia đình, trẻ em tự vệ sinh cá nhân bất cứ lúc nào không phải đợi bố mẹ đi lấy nước như trước kia.

Tại huyện biên giới Phong Thổ hiện có 152 công trình cấp nước sinh hoạt, bảo đảm khoảng 89% số hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Để quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và sự bền vững lâu dài của công trình nước sinh hoạt, các xã đã xây dựng quy chế hoạt động, đôn đốc các tổ quản lý, vận hành. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật tu sửa, bảo vệ các công trình nước sinh hoạt đã được Nhà nước đầu tư.

Theo ông Hoàng Chỉnh Sài, Trưởng ban Công tác mặt trận bản Mồ Sì Câu, khi được Nhà nước đầu tư nước sinh hoạt cho bản, chúng tôi đã cử ra Ban Quản trị để tuyên truyền, nhắc nhở bà con sử dụng phải tiết kiệm, chỗ nào hư hỏng mà đã bàn giao rồi thì phải sửa lại. Ai phát hiện những người sử dụng không tốt thì phải báo lại Ban Quản trị để nhắc nhở, chúng tôi đưa nội quy sử dụng nước vào hương ước, quy ước của bản để người dân ý thức bảo vệ, quản lý và sử dụng nước hiệu quả.

Những năm qua, công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được tỉnh Lai Châu rất chú trọng, hằng năm có nhiều công trình cấp nước được xây dựng, sửa chữa bằng nhiều nguồn vốn khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... do Ban quản lý Chuyên ngành nông nghiệp tỉnh; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, các phòng nông nghiệp và các xã làm chủ đầu tư.

Nhờ sự lồng ghép này mà đến nay mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc đưa nước về các bản vẫn được bảo đảm; nhất là các bản vùng cao, vùng sâu thường cần nhiều kinh phí đầu tư, có bản ở cao không có cả nguồn nước. Từ những nỗ lực đó mà hiện tại, tỷ lệ dân số nông thôn ở Lai Châu được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%.

Ông Vương Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: Chúng tôi luôn tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để mọi người hiểu về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trước khi xây dựng công trình phải thống nhất và thông tin đầy đủ cho cộng đồng về hình thức đầu tư, mô hình quản lý vận hành, cơ chế hoạt động, giá nước, quyền và trách nhiệm của đơn vị cấp nước, nghĩa vụ của người sử dụng nước nhằm tạo sự đồng thuận cao và sẵn sàng chi trả tiền nước.

Các công trình cấp nước sinh hoạt khi được đầu tư xây dựng sẽ được lắp đặt đồng hồ tới từng hộ gia đình để thuận tiện cho việc quản lý vận hành; các công trình sau khi đầu tư xong đều giao cho Ủy ban nhân dân xã quản lý khai thác, vận hành; các xã thành lập các tổ quản lý vận hành để quản lý vận hành từng công trình. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn, quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Qua đó, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường khi xây dựng nông thôn mới, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng cao.

 

 

message zalo