Đang tải...
Ngày đăng: 12/09/2019
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiện nay khu vực nông thôn trên địa bàn có 371 trạm cấp nước sinh hoạt. Điều đáng nói là 100% các trạm cấp nước sinh hoạt này đang hoạt động bền vững, bảo đảm cấp nước cho người dân vùng nông thôn. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ dân được sử dụng nước sạch ước đạt 69%. Để tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, tỉnh thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác các công trình cấp nước đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Có thể nói, việc đưa nước sạch đến với vùng nông thôn tại Đồng Tháp đã mang lại lợi ích lớn về sức khỏe cho nhân dân. Người dân nông thôn đã và đang hình thành thói quen sử dụng nước sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Để bảo đảm chất lượng nước, cơ quan chức năng tỉnh luôn thực hiện tốt chế độ kiểm tra chất lượng nước định kỳ theo quy định.
Tuy nhiên, việc cấp nước sạch trên địa bàn cũng gặp những khó khăn khi hiệu quả kinh tế trong đầu tư khai thác chưa cao, nguyên nhân do trạm cấp nước quy mô nhỏ, hộ tham gia sử dụng ít, chi phí quản lý cao. Đội ngũ cán bộ chuyên môn, quản lý nhà nước lĩnh vực nước sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã còn ít, hoặc kiêm nhiệm nên chưa hiểu rõ các văn bản quy phạm pháp luật về nước sạch và VSMTNT; chưa đủ khả năng lập kế hoạch và quản lý, kỹ năng tư vấn và truyền thông, kỹ năng đánh giá toàn diện các dự án. Hơn nữa, công tác truyền thông về nước sạch & VSMTNT còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ truyền thông, nhất là cán bộ có kỹ năng truyền thông; phương pháp chuyển tải thông tin còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa được chặt chẽ. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên vùng ngập lũ hàng năm cũng ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình.
Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, trong đó tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế từ công trình cấp nước tập trung ước đạt 70%. Để làm được điều đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm tranh thủ sự tham gia của cộng đồng trong công tác xã hội hóa cấp nước và vệ sinh môi trường, tạo cơ hội thuận lợi và bình đẳng để người dân được hưởng lợi và tham gia tích cực. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn; ưu tiên các dự án đầu tư khai thác sử dụng nguồn nước mặt, công suất lớn (2.500m3 /ngày, đêm) có khả năng cung cấp cho 1.000 hộ dân trở lên. Đối với các công trình cấp nước nhỏ lẻ sẽ thực hiện nối mạng giữa các trạm phục vụ cho toàn xã hay một vùng gồm nhiều xã. Hình thức này áp dụng với các vùng có các cụm dân cư không ở cách nhau quá xa, mật độ dân cư lớn, hoặc đã có các trạm cấp nước tập trung nhỏ, phục vụ cấp nước không hiệu quả. Việc nối mạng các trạm cấp nước sẽ làm tăng hiệu quả phục vụ, hạn chế việc xây dựng thêm các trạm cấp nước mới, dễ quản lý, giảm chi phí vận hành bảo dưỡng.