Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Đồng Tháp: Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Ngày đăng: 05/07/2017

(Mard-05/7/2017) - Ông Lê Quang Cường - Phó Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh có 178 hợp tác xã; trong đó, có 141 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, đây là những hợp tác xã đóng vai trò đắc lực trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Ông Hồ Thanh Dũng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đối với  Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để công nhận là một xã đạt chuẩn nông thôn mới thì xã đó phải đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng. Đạt tiêu chí này bắt buộc trên địa bàn xã phải có HTX hoạt động có hiệu quả. 

Riêng đối với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thì bản thân của các HTX cũng là chủ thể quan trọng; bởi nó vừa là hình thức sản xuất tiên tiến tạo tiền đề thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển theo quy mô lớn mang tính hiện đại; đồng thời có vai trò phát huy nội lực, làm nền tảng và động lực để thực hiện tiến trình xây dựng nông thôn mới một cách nhanh nhất, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả nhất. 
Trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp có 5 ngành hàng gồm: lúa, cá tra, vịt, hoa kiểng và xoài. Điển hình Hợp tác xã Tân Cường, huyện Tam Nông có diện tích hơn 1.200 ha, HTX chuyên làm dịch vụ cung ứng vật tư, bơm nước, nước sạch nông thôn, tín dụng, chế biến gạo, sản xuất lúa giống, mỗi năm thu lãi gần 2 tỷ đồng. 
Đây là HTX tiêu biểu của tỉnh trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng quy trình canh tác phù hợp với biến đổi khí hậu để góp phần nâng cao hơn nữa trong việc trồng lúa, tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững và và hiệu quả. 
Đối với mô hình nuôi vịt, hiện nay huyện Tháp Mười có mô hình HTX nuôi vịt rọ lấy trứng nhiều nhất tỉnh, năm 2017 dự kiến đạt 100.000 con, có 3 Hợp tác xã nuôi vịt rọ được thành lập: Hợp tác xã nuôi vịt rọ Mỹ Hòa, Mỹ Quí và Mỹ Đông  đều được Công  ty Vĩnh Thành Đạt  ở Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ hết sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 200-300 đồng/trứng. Bình quân 1.000 con vịt nuôi rọ mỗi ngày đẻ từ 700-800 trứng, bình quân  mỗi trứng bán ra giá cao hơn 200 đồng so với nuôi truyền thống. Đặc biệt, nuôi vịt rọ đẻ trứng lãi hơn 100 triệu đồng/1.000 con/năm. 
Đối với ngành hàng xoài, tỉnh đã xây dựng 2 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn và 2 mô hình HTX canh tác xoài rải vụ như  ở HTX xoài Mỹ Xương ,huyện Cao Lãnh và HTX xoài ở thành phố Cao Lãnh với tổng diện tích thực hiện 205 ha. Lợi nhuận mỗi ha xoài Cát Hòa lộc rải vụ gần 140 triệu đồng/ha, xoài Cát chu hơn  64 triệu đồng/ha…. 
Thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp", đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với HTX như: vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản, xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, ớt Thanh Bình, hoa kiểng Sa Đéc, nuôi vịt ở Tháp Mười. Các vùng chuyên canh này sẽ trở thành tiền đề nhân rộng trong toàn tỉnh. 
Cùng với đó, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh của các HTX thông qua công tác củng cố, nâng chất các HTX hoạt động từ yếu lên trung bình, khá và tốt. 
Ông  Hồ Thanh Dũng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, HTX nông nghiệp tác động rất lớn đến quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, họ làm tốt dịch vụ cho người dân; phát triển kinh tế của HTX hỗ trợ một phần cho kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; là trung gian tiếp nhận sự hỗ trợ của nhà nước đối với nhân dân.../. 
message zalo