Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Đồng Tháp: Cơ giới hóa sản xuất tạo động lực tái cơ cấu nông nghiệp

Ngày đăng: 11/07/2017

Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần quan trọng trong giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Điển hình như cải tiến máy sạ lúa kiêm luôn phun phân, giúp rút ngắn thời gian xuống giống lúa từ 4-6 giờ/ha so với sạ bằng tay, giúp tiết kiệm được công lao động, máy có thể điều tiết lượng giống, phân theo ý muốn. Bình quân mỗi người gieo sạ hoặc bón phân bằng thủ công từ 1- 2 ha/ngày, nhưng sử dụng máy có thể mỗi người sạ lúa, phun phân được từ 3-4 ha/ngày, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất từ 500.000 - 1 triệu đồng/ha.


Anh Trần Văn Sớm ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình đã thành lập đội dịch vụ sạ lúa, phun phân, máy sạ lúa, phun phân giúp ích cho nông dân giảm được lượng giống từ 5-10 kg/ha. Sau một mùa vụ sản xuất lúa Đông Xuân anh đã lấy lại vốn đầu tư máy. Bên cạnh đó, giúp cho mỗi thành viên có nguồn thu từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Hiện nay, mô hình máy cấy lúa đang được phát triển và đây là mô hình mới được áp dụng  nhiều ở huyện Tháp Mười, Tân Hồng, Tam Nông và Hồng Ngự. Mô hình cấy lúa bằng máy, cho năng suất cao hơn sạ bằng tay trên 1 tấn lúa/ha.

Anh Lê Văn Phụng ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười có diện tích 6 ha sản xuất lúa đều cấy bằng máy. Anh Phụng cho biết, trước đây anh sạ bằng tay từ 180-200 kg/ha, nhưng nay anh gieo mạ chỉ sử dụng 60 kg lúa giống để cấy, không chỉ tiết kiệm được lúa giống, diện tích lúa của anh  còn có nhiều ưu điểm khác như: ít sâu bệnh, giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng phân bón. Lúa cấy bằng máy còn giúp cứng cây, không bị đổ ngã, dễ thu hoạch, năng suất cao hơn 1 tấn/ha so với phương pháp sạ thường. Sau khi trừ chi phí diện tích lúa sử dụng máy cấy thu lợi nhuận cao hơn so với diện tích lúa sạ truyền thống gần 10 triệu đồng/ha.

Anh Phạm Thanh Liêm, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười là người sáng chế ra máy sạ hàng kiêm phun xịt thuốc trừ sâu, hoạt động máy sạ hàng 0,75-1 ha/giờ, tiết kiệm được lượng thóc sạ 10 kg/1.300 m2.

Về máy gặt đập liên hợp, anh Nguyễn Văn Tám ở ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết, từ khi đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa gần 10 năm lợi nhuận tăng lên, đặc biệt hạn chế hao hụt khi thu hoạch và cho độ sạch cao. Vì vậy, lúa bán được giá hơn 100 đồng/kg, tính ra mỗi máy thay cho hơn 50 người gặt tay, đồng thời thay cho hàng chục người gom lúa, vận chuyển về nhà. 
Để đáp ứng ngày càng hoàn thiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa, ông Phan Tấn Bện, Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn, thuộc xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cho biết, hơn 6 năm qua, ông đã sản xuất ra hơn 1.000 chiếc máy nông nghiệp các loại cung cấp cho nông dân trong nước và còn xuất khẩu  ra nước ngoài.

Theo đánh giá của anh Nguyễn Văn Phúc ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười cho biết, sau khi sử dụng máy gật đập liên hợp của ông Bện, máy cho ra hạt lúa sạch, độ vỡ hạt dưới 3%, độ sót hạt theo rơm dưới 2% và độ sạch hạt trên 95%. Đặc biệt, máy còn có thể cải tiến để thu hoạch được bắp (ngô), tiết kiệm được chi phí nhân công..

Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp đang phát triển mạnh. Nếu thu hoạch lúa bằng thủ công, chi phí hiện nay lên đến hơn 4 triệu đồng/ha, nhưng nếu sử dụng máy gặt đập liên hợp, chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha. Đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa góp phần giúp công việc đồng áng, thu hoạch kịp thời và nhanh chóng, mà còn hạn chế tác động đối với sức khỏe của nông dân. Khâu làm đất, thu hoạch bằng máy giúp tiết kiệm chi phí 4,3 triệu đồng/ha; khâu phơi sấy tiết kiệm 90.000 đồng/tấn lúa…

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa tạo động lực mạnh cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích cơ giới hoá trong sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động. Điều này góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công lao động trong thu hoạch, giảm nhẹ công sức lao động, tránh được độc hại, tăng lợi nhuận cho người nông dân./. 

message zalo