Đang tải...
Ngày đăng: 28/03/2019
Giữ nguyên giá nước
Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang quản lý, vận hành 5 hệ thống cấp nước nông thôn ở Diên Khánh. Đó là các hệ thống: Diên Phước - Diên Lạc - Diên Thọ; Diên Sơn - Diên Điền; Diên Đồng; Diên Lộc - Diên Bình - Diên Hòa và Diên Xuân - Diên Lâm. Trong số này, các công trình đều đã lần lượt được xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 10 năm nay, chỉ có hệ thống cấp nước Diên Xuân - Diên Lâm vừa được nghiệm thu cấp nước vào đầu năm 2019.
Theo quyết định của tỉnh, giá tiêu thụ bình quân đã bao gồm thuế giá trị gia tăng của 1m3 nước thuộc 5 hệ thống này kể từ kỳ hóa đơn thu tiền nước tháng 4-2019 là 6.149 đồng/m3. Các hộ gia đình áp dụng cơ chế giá lũy tiến theo 4 mức, cụ thể, trong 1 tháng, gia đình nào sử dụng 10m3 trở xuống áp dụng mức giá 5.300 đồng/m3; 10 - 20m3 là 6.700 đồng/m3; 20 - 30m3 là 7.800 đồng/m3 và trên 30m3 là 9.500 đồng/m3. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp áp dụng 1 mức giá 7.800 đồng/m3. Tương tự, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ áp dụng mức 9.500 đồng/m3.
Theo bà Nguyễn Thị Đài Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, trước đây, phương án giá nước của 4 hệ thống này được tỉnh ra quyết định vào năm 2015. Năm 2019, thêm 1 hệ thống nữa được đưa vào vận hành, trên cơ sở tính toán, cân đối, trung tâm đã trình Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định trên tinh thần giữ nguyên giá nước so với trước đây.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Diên Lạc cho biết, hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn Phước - Lạc - Thọ được đưa vào sử dụng gần 10 năm qua. Hiện nay, toàn xã có trên 2.100 hộ, với hệ thống đường ống dẫn nước đã phủ rộng trên toàn địa bàn, 90% số hộ dân của xã đã tiếp cận được với hệ thống này. Không chỉ giải quyết nhu cầu rất cần thiết trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân, hệ thống này còn góp phần hoàn thiện và duy trì tốt tiêu chí vệ sinh môi trường của xã nông thôn mới.
Theo lãnh đạo UBND huyện Diên Khánh, hệ thống nước ngầm trên địa bàn huyện nhiều nơi bị nhiễm phèn, nhiễm flo khá nặng. Việc đầu tư các hệ thống nước sinh hoạt nông thôn là cần thiết, giúp người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước giải quyết được nhu cầu thiết yếu về nước sạch.
Nhiều yếu tố tác động đến giá nước sinh hoạt
Theo bà Nguyễn Thị Đài Trang, 5 hệ thống cấp nước do trung tâm quản lý ở Diên Khánh có khả năng cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn 01 của Bộ Y tế. 5 hệ thống này có tổng công suất thiết kế hơn 7.000m3/ngày đêm. Trừ đi thất thoát khoảng 12%, mỗi năm các hệ thống này cung cấp hơn 2,3 triệu m3 nước. Tổng chi phí sản xuất nước sạch gần 5.600 đồng/m3. Hiện 5 hệ thống này có trên 14.000 khách hàng. Với vai trò phục vụ là chính, những năm qua, các hệ thống này nỗ lực để cân đối thu chi. Tuy nhiên, hiện các công trình nước sạch đang đứng trước nhiều áp lực. Trước hết, giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% kể từ tháng 3-2019. Trong tổng chi phí để sản xuất 2,3 triệu m3 nước 1 năm, chi phí tiền điện trên 2,526 tỷ đồng. Việc tăng giá điện sẽ dẫn tới chi phí đầu vào tăng lên. Bên cạnh đó, mức giá tiêu thụ nước của các công trình cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý ở Diên Khánh được tỉnh phê duyệt vào năm 2015 đến nay không thay đổi. Trong khi từ đó đến nay, chi phí đầu vào như: nhân công, hóa chất… đều đã tăng lên. “Tuy nhiên, với tính chất của một công trình công ích, mức giá cũ sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi các khoản thu không đủ bù chi phí sau khi đã cân đối, tiết kiệm tối đa. Sắp tới, lương cơ bản sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng lên, đó cũng là một trong những yếu tố thêm áp lực, đặc biệt là ở 5 công trình nước sạch nông thôn ở Diên Khánh - nơi đang có giá nước sinh hoạt nông thôn thuộc diện thấp nhất trong toàn tỉnh hiện nay”, bà Nguyễn Thị Đài Trang nhấn mạnh.