Đang tải...
Ngày đăng: 10/03/2020
Đối với các hộ dân thuộc nhóm một, UBND tỉnh chỉ đạo cho ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện công trình mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước và các giếng khoan hiện có. Cụ thể, tổng chiều dài tuyến ống hơn 270km, với kinh phí dự kiến đầu tư khoảng 26 tỷ 400 triệu đồng, thời gian thực hiện mỗi công trình từ 5 đến 30 ngày. Trước mắt, sẽ thực hiện lắp nối trên mặt đất và lắp các vòi nước công cộng, mỗi vòi cách nhau 500m để người dân lấy nước sử dụng ngay, sau đó từng bước hoàn thiện toàn bộ công trình theo kế hoạch.
Đối với hơn 6.300 hộ dân thuộc nhóm hai, ngành nông nghiệp đề xuất giải pháp lâu dài là đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo, đấu nối hòa mạng 11 công trình cấp nước tập trung, tổng kinh phí khoảng 198 tỷ đồng.
Đối với các hộ dân thuộc nhóm ba, Cà Mau triển khai hỗ trợ dụng cụ chứa nước. Trước mắt, sẽ hỗ trợ cho hơn 2.700 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách và hộ đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ miễn phí một bồn nhựa trữ nước loại 1m3 và bốn can nhựa loại 20 lít để vận chuyển và trữ nước sử dụng trong mùa khô. Với các hộ dân còn lại sẽ tự trang bị dụng cụ chứa nước.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau chỉ đạo các địa phương xây dựng thí điểm và giới thiệu, vận động thực hiện mô hình trữ nước mưa theo công nghệ hầm nuôi tôm công nghiệp, nhằm chủ động nguồn nước ngọt sử dụng trong những tháng mùa khô hằng năm.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, cho biết, đối với các hộ dân thuộc nhóm bốn, ngành nông nghiệp tỉnh khẩn trương triển khai khoan sáu giếng nước tập trung tại các xã: Khánh Hòa (huyện U Minh), Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), Thanh Tùng, Tân Trung và Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), với kinh phí khoảng sáu tỷ đồng.
“Các công trình trên đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt trước mắt trong mùa khô hạn này cho hơn 4.000 hộ dân ở khu tập trung dân cư, nhưng lại chưa có công trình cấp nước. Sau đó, các địa phương sẽ từng bước hoàn thiện các hạng mục còn lại như nhà trạm, hệ thống xử lý nước, thiết bị bơm, mạng đường ống phân phối”, ông Tô Quốc Nam, chia sẻ và cho biết, song hành với đó tỉnh cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ: bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai; đầu tư bồn nhựa chứa 10m3, túi nhựa dẻo 15 đến 30m3 đặt tại địa điểm tập trung như UBND xã, nhà văn hóa xã, cung cấp cho người dân hoặc chuẩn bị huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt về phục vụ người dân ở tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo của tỉnh.
“Tâm hạn” ở Cà Mau đã và đang gây ra nhiều bất ổn, không chỉ đối với sản xuất mà còn đe dọa đời sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống… Rà soát mới đây từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 20.800 hộ dân thiếu nước sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt được phân thành bốn nhóm: đối tượng ở khu vực gần công trình cấp nước nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng (nhóm 1) với 6.184 hộ; đối tượng đang sử dụng hệ thống nước nối mạng bị xuống cấp, không đủ nước cung cấp (nhóm 2) với 6.384 hộ; đối tượng ở khu vực dân cư thưa thớt, phân tán (nhóm 3) với 4.193 hộ và nhóm 4 là đối tượng ở khu dân cư tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước, với 4.090 hộ.
Trước tình hình hàng chục nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt, tỉnh Cà Mau đề xuất, kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí triển khai các giải pháp (như đã đề cập phần trên - PV) phòng, chống hạn hán, tạo nguồn dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô 2019-2020.
Về lâu dài, Cà Mau đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư xem xét cho triển khai xây dựng Hồ chứa nước ngọt ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ. Bởi khi có hồ đủ lớn, Cà Mau sẽ có thêm nguồn nước đấu nối vào hệ thống nước nối mạng cung cấp cho dân sử dụng, vừa có thêm nguồn nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô.
Song hành với đó, xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau, bổ sung cho vùng Quản lộ Phụng hiệp (54.480 ha), vùng U Minh Hạ (154.414 ha) và vùng Nam Cà Mau (203 nghìn ha). “Khi có thêm nguồn nước ngọt dẫn về, Cà Mau không chỉ khai thác được nước mặt phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, mà còn phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất hệ ngọt rộng lớn hơn 400 nghìn ha. Khi đó, tình trạng “khát nước” trong sản xuất và sinh hoạt của người dân Cà Mau mới không tái diễn”, ông Tô Quốc Nam chia sẻ.
Đến nay, Cà Mau là tỉnh duy nhất khu vực ĐBSCL chưa có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông. Do đó, sản xuất của người dân phục thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngọt vào mùa mưa, trong khi nước sử dụng trong sinh hoạt chủ yếu được khai thác từ giếng ngầm dưới lòng đất. Tuy nhiên, rất nhiều nơi ở Cà Mau, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, không bảo đảm trong sinh hoạt, ăn uống hoặc dân cư phân tán, nước nối mạng chưa về được đến tận nơi.
Vì lẽ đó, mỗi khi vào cao điểm mùa khô hạn, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và nước phục vụ sinh hoạt của người dân lại diễn ra, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sản xuất, giao thương hàng hóa và đời sống dân sinh.
Cà Mau mở rộng, kéo dài tuyến ống để cấp nước cho cư dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Nước sử dụng trong sinh hoạt của người dân Cà Mau chủ yếu khai thác từ giếng khoan dưới lòng đất.