Đang tải...
Ngày đăng: 25/12/2019
Bộ Tài chính cho biết, quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch gắn với đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch là một trong những quyết tâm của Chính phủ để nhân dân cả nước, kể cả dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt quy chuẩn QCVN 02-BYT với công suất ít nhất là 60 lít/người/ngày, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt, cải thiện điều kiện sống cho nhân dân, đặc biệt đối với người dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn còn một số tồn tại nhất định như: (i) chưa có quy định cụ thể về tiêu chí giao công trình gắn với điều kiện kinh tế xã hội và đặc điểm vùng miền nên thường có tình trạng lựa chọn các công trình tốt, tập trung tại các khu đô thị, hoạt động hiệu quả để giao cho doanh nghiệp, các công trình không tốt và kém hiệu quả giao cho UBND cấp xã và Trung tâm nước sạch là chưa đảm bảo khách quan, minh bạch. (ii) Việc xác định giá trị công trình để giao theo nguyên tắc giá trị còn lại của nguyên giá ban đầu (theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC), không đánh giá lại giá trị thực tế nên giá trị công trình giao thường cao hơn giá trị thực tế sử dụng của công trình, cộng với việc chi phí đầu tư cho nhà máy cấp nước nên tổng giá trị công trình lớn, trong khi thu hồi được nguồn vốn để có lãi, duy trì công trình hoạt động bền vững mất nhiều năm; vì vậy việc giao công trình cho doanh nghiệp được đánh giá là hiệu quả, nhưng còn hạn chế tại nhiều địa phương…Do vậy, việc ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch là rất cần thiết.
Quy định về khai thác TSKCHT cấp nước sạch nông thôn
Theo dự thảo, các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) cấp nước sạch nông thôn gồm: (i) Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; (ii) Cho thuê quyền khai thác TSKCHT cấp nước sạch nông thôn; (iii) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác TSKCHT cấp nước sạch nông thôn.
Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác TSKCHT cấp nước sạch nông thôn là việc cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản: Trực tiếp thực hiện sử dụng, khai thác tài sản; giao khoán cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện một số công việc của quá trình sử dụng, khai thác tài sản, gồm: Vận hành tài sản; bảo trì; thu tiền nước; các công việc khác có liên quan đến sử dụng, khai thác tài sản.
Dự thảo quy định việc khai thác TSKCHT cấp nước sạch nông thôn theo phương thức: cho thuê quyền khai thác tài sản; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản với các nội dung: việc khai thác được lập Đề án do Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản lập, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; việc cho thuê quyền khai thác; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản thực hiện theo phương thức đấu giá; quy định thẩm quyền; trình tự, thủ tục; hồ sơ; ký kết Hợp đồng cho thuê quyền khai thác; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.
Đối với việc bán TSKCHT cấp nước sạch nông thôn, dự thảo quy định việc bán TSKCHT cấp nước sạch nông thôn trong trường hợp sử dụng vào mục đích cấp nước sạch nông thôn tập trung (không thay đổi mục đích, công năng của tài sản).
Thẩm quyền quyết định bán TSKCHT cấp nước sạch nông thôn: Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bán tài sản theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc bán TSKCHT cấp nước sạch nông thôn được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Điều kiện tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá là có chức năng kinh doanh nước sạch, có khả năng tài chính, có năng lực quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung ...
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.