Đang tải...
Ngày đăng: 27/11/2019
Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết “NS&VSNT là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Dù vậy, đến nay, mới có khoảng 51% người dân nông thôn được dùng nước sạch. Trong nội dung Chương trình Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã cam kết với UN đến năm 2030 cơ bản 100% dân số tiếp cận với nước sạch với giá hợp lý” Theo thứ trưởng, đây là cam kết rất quan trọng, hiện Chính phủ và các Bộ, ngành đang triển khai mạnh mẽ để đạt được cam kết này. Tuy nhiên, vấn đề NS&VSNT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như chênh lệch về tỷ lệ sử dụng nước sạch giữa các vùng, miền còn khá lớn và còn nhiều công trình cấp nước chưa đem lại hiệu quả cao, cùng với đó là thách thức rất lớn từ các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà cụ thể là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các khu vực Miền Trung và khu vực ĐBSCL.
Từ năm 2013, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Việt Nam triển khai theo phương thức hỗ trợ mới, hỗ trợ dựa vào kết quả đầu ra lần đầu tiên được áp dụng tại 08 tỉnh đồng bằng sông Hồng của Việt Nam, Chương trình đã kết thúc vào tháng 6/2019 với kết quả đạt vượt chỉ số đầu ra như đã cam kết trong Hiệp định; Từ năm 2016, Chương trình mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện tại 21 tỉnh Miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Nam Trung bộ, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2021.
Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc điều hành Hoạt động Dự án tại Việt Nam của WB, phát biểu tại Hội thảo
Để tiếp tục mang nước sạch đến với đông đảo người dân khu vực nông thôn, Bộ NN&PTNT đã thảo luận, đề xuất WB tiếp tục hỗ trợ Dự án NS&VSNT bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025. Dự án sẽ tiếp cận thông qua ba điểm mới trong đề xuất, đó là cơ chế thu hút sự tham gia của khối tư nhân để góp vốn xây dựng và trực tiếp quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình nước; Thiết kế, thi công và vận hành, bảo dưỡng công trình nước và vệ sinh trong điều kiện biến đổi khí hậu; Đầu tư xây dựng và cải thiện chất lượng nước từ các công trình cấp nước hộ gia đình.
Mục tiêu của Dự án là cấp nước sạch cho khoảng 716.000 hộ dân thuộc 14 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước và Tây Ninh. Bên cạnh đó là xây dựng mới 55.071 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, 208 công trình cấp nước và nhà tiêu cho các trạm y tế và 883 công trình cấp nước và nhà tiêu cho các trường học ở khu vực nông thôn.
Tổng nhu cầu đầu tư của Dự án là 389,5 triệu USD, trong đó vốn vay WB 320 triệu USD; vốn đối ứng của các địa phương 39,5 triệu USD; vốn doanh nghiệp 30 triệu USD. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Bộ Ngoại giao và thương mại Australia tài trợ khoảng 7 - 10 triệu Đô la Australia cho Dự án.
Toàn cảnh hội thảo