Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Đầu tư nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày đăng: 30/09/2024

Thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương miền núi trong tỉnh Bình Định đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều hệ thống nước sinh hoạt tập trung, phân tán cho vùng đồng bào DTTS, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống.

Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu cho người dân vùng đồng bào DTTS Vân Canh.

 

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 39 DTTS sinh sống, chủ yếu tập trung ở 6 huyện: An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Phù Cát. Trong giai đoạn I, dù gặp khó khăn nhưng các địa phương vẫn nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình 1719. Trong đó, huyện Vân Canh được xem là “điểm sáng”.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Vân Canh được Trung ương phân bổ gần 104 tỷ đồng. Huyện đã đầu tư nâng cấp, xây dựng 65 công trình gồm 57 công trình giao thông; 6 công trình thủy lợi, nhà văn hóa; 2 công trình trường học gồm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Canh Liên và Trường THCS bán trú Canh Thuận… Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa nhiều mặt trong sự phát triển của địa phương. Hiện nay, 7/7 xã, thị trấn có đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm xã; đường liên thôn đến trung tâm xã cũng được kiên cố hóa bằng bê tông. Các xã được đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khang trang, có đầy đủ các thiết chế. Hệ thống thủy lợi được xây dựng đồng bộ… góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt thông tin, trong năm 2023, từ nguồn vốn của Dự án 1, huyện đã phân bổ cho các địa phương hơn 3,1 tỷ đồng, xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt tự chảy; đầu tư thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho 118 hộ dân tại các xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận ... giúp các hộ tiếp cận, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe, qua đó nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn, miền núi.

Còn tại huyện Hoài Ân, đây là một huyện trung du miền núi với 14 xã, thị trấn. Trong đó, 5 xã có người DTTS sinh sống. Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Ân, chỉ tính riêng trong năm 2024 (đến cuối tháng 5/2024), huyện đã giải ngân vốn đầu tư được hơn 14,5 tỷ đồng, đạt 75,6%; giải ngân vốn sự nghiệp 913 triệu đồng, đạt 6,7%. Trên cơ sở nguồn kinh phí này, huyện đã hoàn thành việc xét chọn hỗ trợ 19 nhà ở cho hộ nghèo; xét chọn 11 hộ để đề nghị phê duyệt hỗ trợ chuyển đổi nghề; phê duyệt danh sách hộ nghèo thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán với 71 hộ (đã thực hiện giải ngân đạt 100%).

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, giai đoạn từ năm 2022 đến nay, huyện cũng đã phân bổ hơn 657 triệu đồng hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 219 hộ dân tại các xã Bok Tới, Đak Mang, Ân Sơn; hỗ trợ 3,8 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống nước sạch tự chảy tại xã Đak Mang, khắc phục tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt cho các hộ dân. Để quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả công trình nước sinh hoạt, UBND huyện chỉ đạo các xã thành lập tổ quản lý tại các thôn, làng. Đồng thời xây dựng quy chế hoạt động, đôn đốc các tổ quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa công trình, đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt cho người dân, cũng như các công trình được sử dụng lâu dài, hiệu quả nhất.

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bùi Tiến Dũng cho biết: Từ nguồn vốn của Dự án 1, nhiều công trình nước sạch đã được xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào DTTS. Giai đoạn 2022 - 2024, từ nguồn vốn đầu tư của dự án, các huyện Vân Canh, Hoài Ân, An Lão xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung, với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng; hỗ trợ hàng trăm thiết bị nước sinh hoạt phân tán, giúp cho hàng trăm hộ dân ở miền núi có nguồn nước sinh hoạt ổn định.

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá các công trình hệ thống nước tự chảy; tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, hỗ trợ thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho người dân; tăng cường truyền thông, vận động các hộ dân bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước và các công trình cấp nước ở từng khu vực, phấn đấu đến năm 2025, có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

 

Nguồn: Báo Đại đoàn kết

 

message zalo