Đang tải...
Ngày đăng: 28/06/2023
Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang tập trung ưu tiên xây dựng các công trình nước sạch ở vùng sâu, vùng xa. Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang, đến nay đã xây dựng, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; 3 công trình khác đang được xây dựng. Các công trình nước sạch này có ý nghĩa quan trọng để người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân được bảo đảm.
Ngoài ra, công trình nước sạch đi vào hoạt động đã giúp xã hoàn thành tiêu chí về môi trường, đóng góp vào kết quả về đích nông thôn mới của các xã trong năm 2022. Tính đến đầu năm 2023, đã có gần 12 nghìn hộ dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được sử dụng nước sạch và dự kiến đến tháng 6/2023, có hơn 13 nghìn hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, đóng góp vào kết quả có hơn 96% dân số nông thôn tỉnh Tuyên Quang được sử dụng nước sạch.
Ðưa chúng tôi đến công trình nước sạch xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, ông Triệu Minh Hường, cán bộ vận hành công trình nước sạch xã Thái Sơn chia sẻ, trước đây, người dân thường sử dụng nước giếng hoặc dẫn nước từ suối về để sử dụng, chất lượng không bảo đảm. Xã Thái Sơn có 14 thôn với 2.047 hộ, 8.082 khẩu, mật độ số dân đạt 160 người/km2. Từ khi công trình cấp nước sinh hoạt được nâng cấp và đi vào hoạt động đã góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Công trình này được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2003, qua quá trình vận hành, khai thác, công trình đã xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong xã. Năm 2021, từ nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn, công trình được nâng cấp, mở rộng với công suất khai thác cung cấp 200m3/ngày, đêm, đến nay có hơn 200 hộ dân đang sử dụng nước sạch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Ðỗ Văn Hòa, cho biết, huyện phối hợp các đơn vị cung cấp nước sạch tuyên truyền hướng dẫn, vận động bà con dùng nước sạch, đồng thời yêu cầu nhà cung cấp lắp đặt đường ống chờ để sẵn sàng đấu nối khi có thêm hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được ưu tiên nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, tạo ra phong trào quần chúng tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.
Tại tỉnh Bến Tre, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn triển khai thực hiện đã từng bước nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Toàn tỉnh có 67 nhà máy nước do nhiều tổ chức quản lý, gồm: Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và một số đơn vị tư nhân, với tổng công suất gần 10.000m3/giờ.
Ðến nay, tỉnh có 99,2% số hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó có 76,4% số hộ sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Tỉnh cũng lập hành lang bảo vệ nguồn nước và xây dựng các phương án bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước; nghiên cứu giải pháp trữ nước đối với các công trình cấp nước sạch tập trung khó khăn về nguồn nước. Tỉnh quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm; kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây tác hại đến nguồn nước ngầm; đầu tư các hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, Bến Tre cũng tổ chức rà soát, bổ sung, điều chỉnh, lập mới kế hoạch cấp nước an toàn của các đơn vị cấp nước và đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống cấp nước; đào tạo, nâng cao năng lực về bảo đảm cấp nước an toàn.
Ðể quản lý, khai thác hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn, ông Huỳnh Kim Mười, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng phương án bàn giao tài sản công trình cấp nước theo đúng quy định, rà soát xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác cho các cán bộ quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên nắm bắt hiện trạng hoạt động các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; tiếp nhận và phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, UBND xã và các đơn vị liên quan để tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được giao theo quy định.
Trước tình hình thiếu nước sạch vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Ðiều tra và Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thực hiện Dự án: “Ðiều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”. Giai đoạn I của dự án được thực hiện tại 197 điểm vùng núi cao, khan hiếm nước trên địa bàn 37 tỉnh khó khăn, đã hoàn thành khối lượng và mục tiêu đặt ra. Ðến nay, công tác tìm kiếm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sạch đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Ðiều tra và Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, nhóm nghiên cứu đã triển khai các quy trình thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước như: Thu thập các tài liệu địa chất, địa chất thủy văn và các tài liệu liên quan khác; khoanh định các vùng có khả năng chứa nước để tiến hành điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; thiết kế và thi công các dạng công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất.
Ðồng thời, nhóm nghiên cứu đánh giá các nguồn nước dưới đất; xác định nguồn có khả năng cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân; tổng hợp, phân tích các tài liệu thu thập, xác định các đối tượng và phạm vi điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; đánh giá trữ lượng, chất lượng, tính toán lượng nước dưới đất có thể khai thác cho 189/197 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước thuộc 36/37 tỉnh; tạo công trình khai thác bền vững phục vụ cấp nước cho người dân vùng cao, vùng khan hiếm nước thuộc 36 tỉnh.
Ðã có hơn 1 triệu người dân trên địa bàn 37 tỉnh được sử dụng nước sạch với tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Nhóm nghiên cứu dự án đã lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tại 197 vùng có triển vọng để thi công các công trình khai thác tài nguyên nước; thi công 454 công trình, xây dựng 189 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung; lưu lượng khai thác công trình đạt khoảng 104.917m3/ngày.