Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình vùng đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88,1%. Tính tới nay, qua 3 năm triển khai Chương trình, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt cho 5.548 hộ, đầu tư xây dựng 29 công trình nước sinh hoạt tập trung cho các cụm dân cư, trên 91% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, huyện Kon Plông đã tích cực triển khai hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS thông qua Chương trình. Hằng tháng, các xã, thị trấn trong huyện đều tiến hành rà soát các hộ nghèo, cận nghèo thiếu nước sinh hoạt để đưa ra phương án hỗ trợ kịp thời. Từ nguồn vốn Chương trình, huyện đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.216 hộ đồng bào DTTS. Đồng thời, ba công trình nước sinh hoạt tập trung đã được xây dựng, cung cấp nước cho 307 hộ dân tại các xã Đắk Tăng, Đắk Ring và Ngọk Tem với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Sự hỗ trợ này đã cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt của người dân, giúp họ tiếp cận nguồn nước sạch đảm bảo an toàn.
Huyện Đắk Glei trước đây gặp nhiều khó khăn khi người dân phải lấy nước sinh hoạt từ khe suối và giếng tự đào, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Để khắc phục tình trạng này, trong giai đoạn 2021-2023, từ nguồn vốn của Chương trình, huyện đã xây dựng 3 công trình nước sạch tập trung tại các thôn thuộc xã Mường Hoong, Ngọc Linh và Đắk Kroong, giúp hàng trăm hộ dân tiếp cận nguồn nước sạch. Nhờ những nỗ lực này, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện đã đạt 100%. Đắk Glei cũng tập trung vào nâng cấp và xây dựng các hạng mục như đập đầu mối, bồn chứa nước, và hệ thống đường ống với kinh phí hơn 300 triệu đồng. Cùng với sự đồng thuận và đóng góp ngày công của người dân, công trình nước sạch đã hoàn thành, mang lại niềm vui và sự tiện lợi cho các hộ dân trong thôn. Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Tu Mơ Rông đã triển khai chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS nghèo thông qua Chương trình. Với số tiền gần 3,48 tỷ đồng, Chương trình đã giúp 1.198 hộ nghèo trên địa bàn huyện có bồn chứa nước và ống dẫn nước, giúp người dân tiếp cận nguồn nước sạch một cách dễ dàng hơn. Trước đây, nhiều hộ gia đình phải lấy nước từ các suối hoặc giếng xa nhà, gây khó khăn trong sinh hoạt và ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhờ chương trình hỗ trợ này, các hộ dân đã giảm được gánh nặng trong việc lấy nước và được đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh ngay tại nhà. Tại một số thôn, nhờ có bồn chứa nước và hệ thống ống dẫn từ bể chứa của thôn, các hộ nghèo đã cải thiện điều kiện vệ sinh, giúp giảm đáng kể các bệnh ngoài da và tiêu hóa. Với những biện pháp triển khai công khai, minh bạch và kịp thời, Chương trình đã mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào DTTS tại huyện Tu Mơ Rông. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 2.300 hộ nghèo và khoảng 300 hộ cận nghèo chưa có bồn chứa nước. UBND huyện đang tiếp tục đề nghị Ban Dân tộc tỉnh mở rộng Chương trình để đảm bảo tất cả các hộ khó khăn đều có cơ hội tiếp cận nước sạch, góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân vùng DTTS trong thời gian tới.
Thực hiện Chương trình, huyện Kon Rẫy chú trọng công tác tổ chức rà soát, thực hiện chính sách hỗ trợ 520 hộ nghèo hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 04 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 479 hộ.
Huyện Ngọc Hồi được giao vốn Chương trình trong giai đoạn từ 2021 - 2025 là gần 137 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 158 hộ; đầu tư 1 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con nhân dân trên địa bàn xã Đắk Ang.
Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục chú trọng việc hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS thông qua Dự án 1. Việc đảm bảo cung cấp nước sạch không chỉ là mục tiêu cấp bách mà còn là yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
UBND tỉnh Kom Tum yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường rà soát, điều chỉnh vốn đầu tư, ưu tiên phân bổ cho các dự án liên quan đến cung cấp nước sạch, nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân và thực hiện đúng quy định. Tỉnh yêu cầu các địa phương tích cực giải quyết các vướng mắc về đất đai, đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng và thi công các công trình cấp nước, giúp người dân sớm tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát chất lượng thi công các công trình nước sinh hoạt. Qua đó, tỉnh Kon Tum quyết tâm đảm bảo tất cả các hộ dân thuộc vùng đồng bào DTTS được hưởng lợi từ chính sách này, góp phần ổn định đời sống và phát triển bền vững.
Nguồn: Tạp chí Mặt trận