Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Cư dân Thủ đô “khát” nước sạch

Ngày đăng: 26/09/2023

 

Dự án chậm tiến độ

Nằm cách Sân bay quốc tế Nội Bài vài cây số nhưng hàng chục năm nay, người dân thôn Điền Xá, xã Quang Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch tập trung. Ông Phù Xuân Trút, một cư dân sinh sống ở đây không khỏi bức xúc cho biết: “Hàng chục năm nay, cả thôn đều phải sử dụng nguồn nước giếng tự khoan ô nhiễm để sinh hoạt. Nhà tôi đầu tư hơn 30 triệu đồng, khoan sâu 92 m mới có nước nhưng cũng phải hút vài giờ mới đầy được bể 1 m3. Nước hút lên tuy đã xử lý qua hai củ lọc công nghiệp mà vẫn vàng đục, vẩn mùi tanh…”, ông Trút cho biết.

“Cả làng không có nước sạch”, anh Tạ Văn Quý, Trưởng thôn Điền Xá, khi chia sẻ về vấn đề này đã không khỏi suy tư. Thậm chí: “Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi liên tục kiến nghị, rồi làm cả đơn gửi các cấp có thẩm quyền nhưng hiện tại vẫn chưa có bất cứ hạng mục gì liên quan đến nhà máy cấp nước sạch được khởi công trên địa bàn”.

Từ thôn lên tới xã, tình trạng vẫn không có gì thay đổi nhiều. Ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Quang Tiến (Sóc Sơn) cho biết: Toàn bộ xã chưa có thôn nào được sử dụng nước sạch tập trung của Nhà nước đầu tư mà chủ yếu dùng nước giếng khoan không bảo đảm chất lượng. Đây cũng là rào cản lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu, vậy mà hàng chục năm qua, không chỉ người dân xã Quang Tiến mà hàng chục xã khác tại huyện Sóc Sơn vẫn phải xoay xở với các nguồn nước mưa, nước giếng không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Là xã trung tâm của huyện Sóc Sơn nhưng tình trạng của Tân Minh cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh (Sóc Sơn) cho hay: Do quá trình đô thị hóa, nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Xã cũng nhận được nhiều thông tin bà con phản ánh tình trạng mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp… do phải sử dụng nước chưa bảo đảm vệ sinh.

Theo thống kê, Sóc Sơn đang là địa bàn khó khăn nhất về nước sạch ở Thủ đô với tỷ lệ 14/26 xã và 65% dân số chưa tiếp cận được nguồn cấp tập trung. Được biết từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương cho liên danh Công ty CP nước Aqua One và Công ty CP nước mặt Sông Đuống đầu tư mạng lưới cấp nước cho các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên sau nhiều năm chậm tiến độ, đến tháng 8/2022, liên danh nhà đầu tư trên đã có văn bản xin dừng đầu tư khiến tiến độ xóa điểm trắng về nước sạch ở Sóc Sơn bị kéo dài.

Ông Trịnh Văn Duy, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết: Nhà đầu tư xin rút thì thành phố phải mất thêm thời gian thực hiện lại quy trình lựa chọn nhà đầu tư mới. Riêng khu vực bảy xã (Tân Dân, Thanh Xuân, Phú Cường, Minh Phú, Minh Trí, Quang Tiến, Hiền Ninh) mới đây, Sở Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố chấp thuận giao cho công ty trách nhiệm hữu hạn nước sạch Ngọc Anh triển khai dự án. Nước sạch là nhu cầu bức thiết, để chậm ngày nào, người dân còn vất vả ngày đó. Vì thế, chúng tôi đã lập tức có văn bản kiến nghị thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư sớm đẩy nhanh tiến độ mở rộng phạm vi cấp nước sạch trên địa bàn.

Quy hoạch chưa đồng bộ

Sau nhiều năm thi công, dự án cải tạo, mở rộng đường tỉnh lộ Tản Lĩnh - Yên Bài đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị được bàn giao đưa vào sử dụng. Hạ tầng giao thông vốn đi trước mở đường nhưng ít ai biết đây đang là “nút thắt” khiến nhiều hộ dân ở xã Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì) chưa được tiếp cận nước sạch. Dẫn chúng tôi vào xem nguồn nước giếng khoan của gia đình, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, người dân thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa cho biết: Nước kéo lên vàng đục mầu bùn nhưng gia đình vẫn phải xử lý qua máy lọc để sử dụng. Đào giếng có nước còn may mắn, ở đây nhiều hộ không có phải đi xin từng thùng nước về dùng. Bà con lo lắng cho sức khỏe lắm mà chờ hoài chưa biết bao giờ mới có nước sạch?

Đi tìm câu trả lời cho người dân, phóng viên được biết, để thi công đường ống dẫn nước qua địa bàn xã Vân Hòa, nhà đầu tư đang xin cấp phép để đào đường Tản Lĩnh - Yên Bài. Tuy nhiên, do tuyến đường vừa được cải tạo mở rộng, chưa bàn giao đưa vào sử dụng nên chưa thể thỏa thuận cấp phép thi công đường ống nước. Sự thiếu đồng bộ trong xây dựng hạ tầng giữa các ngành chức năng đang gây ra sự lãng phí khi tuyến đường vừa được làm mới lại phải đào lên để chen đường ống nước xuống dưới. Còn nếu chậm trễ thì nhiều hộ dân ở xã Vân Hòa phải chấp nhận sống cảnh “khát” nước sạch giữa Thủ đô.

Câu chuyện thi công tuyến đường ống đi qua xã Vân Hòa không phải là cá biệt. Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Ba Vì cho biết: Hiện công tác giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường ống truyền tải nước sạch trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của các dự án mở rộng tuyến đường quốc lộ 32 từ xã Cam Thượng đi cầu Trung Hà phải thỏa thuận với nhiều sở, ban, ngành. Tại xã Minh Châu cũng chưa thống nhất được với Cục Đường bộ Việt Nam về phương án thi công tuyến ống truyền dẫn đi trên cầu Vĩnh Thịnh. Dọc tuyến đê sông Đà cũng chưa thỏa thuận cấp phép thi công tuyến ống dẫn truyền nước do vướng mặt bằng.

Thiếu công khai, minh bạch

Có mặt tại thôn Đông Phượng, xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), chúng tôi chứng kiến câu chuyện “tréo ngoe”. Đường ống nước đã kéo đến sát tường rào nhưng người dân vẫn không tiếp cận được nước sạch. Được biết, dự án cấp nước sạch trên do liên danh Công ty CP Ao Vua - Công ty CP đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì triển khai. Để đăng ký sử dụng nước sạch, mỗi hộ dân phải ký “Hợp đồng dịch vụ cấp nước” và nộp 2,2 triệu đồng tiền “đấu nối nước”. Các giấy tờ trên do chủ đầu tư giữ bản chính, người dân giữ 1 bản hợp đồng và 1 bản sao phiếu thu.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Trưởng xóm Gốc Mít, thôn Đông Phượng cho biết: “Chủ đầu tư giải thích số tiền đó là tiền đồng hồ nước, người dân ở đây mong chờ nước sạch đã lâu nên cũng chấp thuận nộp. Có điều đến ngày lắp đặt, nhân viên công ty lại yêu cầu trả lại phiếu thu mới được đấu nối nước. Bà con thấy vô lý quá nên không đồng ý thì nhận được câu trả lời sẽ không được đấu nối nước nữa?”. Chưa kể đến tính đúng sai của các khoản thu nhưng việc kinh doanh bắt chẹt khách hàng, đẩy người dân vào chỗ yếu thế trong việc tiếp cận nước sạch của chủ đầu tư đang là một nguyên nhân làm chậm mục tiêu phủ nước sạch toàn thành phố.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2022, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Con số này đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hoàn thành phủ mạng cấp nước khu vực nông thôn cho khoảng 85% dân số. Hiện, Hà Nội còn 139 xã chưa có nước sạch, trong đó có 130 xã đã lựa chọn được nhà đầu tư, 9 xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ đang tiếp tục rà soát để lựa chọn đơn vị thực hiện.

Ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết: Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đưa nước sạch tới 100% địa bàn nông thôn, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi hai dự án và điều chỉnh một dự án. Với các xã chưa kết nối mạng cấp nước, 9 đơn vị đang thực hiện 11 dự án mở rộng mạng cấp nước. Trong đó có 1 dự án do UBND huyện Ba Vì triển khai, cấp nước cho khu vực miền núi các xã: Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang. Trong năm 2023, sở đang tiếp tục tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện, nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 90%.

Mục tiêu đặt ra hướng tới năm 2025, Hà Nội không còn thiếu nước sạch là rõ ràng, các cơ quan chuyên môn cùng chính quyền Hà Nội đều có những động thái quyết liệt. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy vẫn còn quá nhiều bất cập. Thậm chí nếu những bất cập đó không được điều chỉnh kịp thời, rất khó có thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Dự án chậm tiến độ, quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu công khai minh bạch… đang chờ những biện pháp cụ thể và thiết thực từ các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương. Người dân Thủ đô vẫn từng ngày mong chờ hết… khát!

 

message zalo