Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Công trình nước sinh hoạt ở Nam Giang – Quảng Nam: Rà soát để quản lý hiệu quả

Ngày đăng: 13/11/2022

 

Xã Chà Vàl hiện có 2 công trình nước sinh hoạt tập trung, gồm công trình nước sinh hoạt phục vụ 206 hộ dân thôn A Bát ở trung tâm xã và công trình nước sinh hoạt tại thôn Pring cung cấp nước cho 30 hộ dân cụm Tà Un.

Công trình nước sinh hoạt tại thôn A Bát được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 8/2021, do Chương trình vùng huyện Nam Giang phối hợp chính quyền địa phương đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng, gồm các hạng mục đập nguồn, bể lọc nước, đường ống, bể chứa trung tâm và ống dẫn đến tận nhà để cung cấp nước ổn định cho 1.200 người dân.

Chị Blúp Lực (người dân thôn A Bát) cho biết: “Ngoài việc lắp đường ống phân phối nước đến tận nhà thì các hộ dân còn được hỗ trợ lắp bồn chứa, đồng hồ để sử dụng rất thuận tiện. Từ khi có công trình nước sinh hoạt, người thôn A Bát và trung tâm xã Chà Vàl được sử dụng nước ổn định, không còn cảnh thiếu nước trong mùa khô”.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Nam Giang triển khai đầu tư xây dựng 18 công trình nước sạch sinh hoạt tập trung với tổng mức đầu tư hơn 53 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách trung ương hơn 32 tỷ đồng (từ các chương trình 30a, 135, nông thôn mới, hỗ trợ khắc phục thiên tai…); ngân sách tỉnh 9,9 tỷ đồng và ngân sách huyện gần 5 tỷ đồng, còn lại là vốn từ nguồn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và vốn tài trợ của tổ chức phi chính phủ.

Cạnh đó, huyện đầu tư hơn 633 triệu đồng để xây dựng các công trình nước sinh hoạt phân tán tại một số khu vực dân cư của các xã Tà Pơơ, Chà Vàl, Cà Dy… Đến nay, đã có khoảng 80% dân số trên địa bàn huyện có nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, công tác quản lý sau đầu tư còn hạn chế, một số tổ tự quản hoạt động không hiệu quả; thiên tai, bão lũ ảnh hưởng thường xuyên làm hư hỏng một số bộ phận các công trình; nguồn nước sinh hoạt là nguồn từ các khe suối dẫn theo đường ống về các bể chứa tại các khu vực dân cư nên chất lượng nước chưa cao, nước bị đục vào mùa mưa và xảy ra hiện tượng khô hạn vào mùa nắng…

Chủ tịch UBND xã Chà Vàl - ông Tơ Đêl Sơn cho biết: “Thói quen và ý thức của người dân về quản lý, sử dụng nguồn nước chưa tốt. Bà con sau khi sử dụng nước, nhất là các vòi lắp ngoài trời thì hay xả nước. Có tình trạng mạnh ai nấy dùng dẫn đến thiếu hụt nước sinh hoạt cho các hộ khác. Nhiều điểm dân cư quá cao nước không dẫn lên được”.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, ngoài những khó khăn, hạn chế trên thì hiệu quả đầu tư, khả năng kinh doanh, thu hồi vốn đối với các công trình nước sạch tại miền núi rất thấp dẫn đến các nhà đầu tư chưa quan tâm.

Huyện đã rà soát lại toàn bộ các hạng mục công trình nước sinh hoạt trên địa bàn để đánh giá cụ thể từng công trình và có biện pháp xử lý, giải quyết, khắc phục, sửa chữa công trình hư hỏng, xuống cấp; tích cực chỉ đạo công tác quản lý, vận hành sau đầu tư; huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của người dân vào duy tu, bảo dưỡng các công trình khi bị hư hỏng. Đồng thời, rà soát quy hoạch, định hướng xây dựng mô hình nước sạch phục vụ cho người dân trong thời gian tới…

 

message zalo