Đang tải...
Ngày đăng: 04/11/2019
Trước đây gia đình bà Phạm Thị Hồng ở xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn chủ yếu sử dụng nước giếng khoan và hứng nước mưa để nấu nướng. Tuy nhiên chất lượng nước giếng khoan không đảm bảo, lượng nước mưa không đủ đùng, phải tiết kiệm.
Do đó bà Hồng và các hộ dân xung quang luôn đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Năm 2016, thông qua Hội Phụ nữ xã, gia đình bà được vay 12 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đầu tư lắp công tơ, đường ống dẫn nước sạch và xây nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn phục vụ cuộc sống. Gia đình bà đã bỏ hẳn nước giếng kém chất lượng và chuyển sang dùng nước sạch của trạm cấp nước sạch tập trung xã Gia Hòa. Nhờ đó chất lượng cuộc sống của gia đình được cải thiện rõ rệt.
Theo bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND xã Gia Hòa, năm 2007 xã Gia Hòa được đầu tư xây dựng công trình nước sạch nhưng hoạt động không hiệu quả và gần như các hộ dân phải xây bể chứa nước mưa hay đào giếng lấy nước sinh hoạt.
Sau này, thực hiện chương trình xã hội hóa đầu tư nước sạch nông thôn của tỉnh, Doanh nghiệp Đại Thắng vào đầu tư, cải tạo, nâng cấp, làm mới một số hạng mục và đưa trạm cấp nước tập trung đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch cho nhân dân trong xã.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là người dân không có điều kiện lắp công tơ và đường ống dẫn nước từ đầu đường vào nhà. Giải quyết vấn đề trên, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ người dân được vay vốn Chương trình cho vay nước sạch và VSMTNT để đầu tư các công trình nước sạch và vệ sinh.
Đến nay, dư nợ Chương trình là hơn 8 tỷ đồng với hơn 400 hộ dân trên địa bàn còn dư nợ. Nhờ đó đã nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch của xã lên 85%, góp phần thực hiện tốt tiêu chí môi trường và giúp Gia Hòa về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Thực hiện Quyết định số 62/QĐ/2004-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và VSMTNT, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã triển khai cho vay tại 100% số xã trên địa bàn tỉnh.
Sau gần 14 năm thực hiện, chương trình tín dụng này đã được điều chỉnh về đối tượng thụ hưởng và nâng mức cho vay để phù hợp với tình hình thực tế. Theo quy định hiện hành, đối tượng được hưởng chương trình tín dụng này là hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và VSMTNT đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình tối đa là 10 triệu đồng…
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 nghìn lượt hộ được vay vốn của Chương trình cho vay nước sạch và VSMTNT và doanh số cho vay đạt trên 1.000 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 30/9/2019 là hơn 743 tỷ đồng với gần 53 nghìn hộ còn dư nợ.
Nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Thuận lợi của chương trình là phương thức cho vay thông qua ủy thác một số nội dung công việc đối với các tổ chức chính trị - xã hội, không phải thế chấp tài sản, đối tượng mở rộng, lãi suất cho vay phù hợp, thời hạn cho vay dài, người vay tiếp cận nhanh với nguồn vốn.
Theo lộ trình và kế hoạch xây dựng nông thôn mới, thời gian tới các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ cần nguồn vốn lớn để thực hiện tiêu chí về môi trường. Vì vậy, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị- xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng về nước sạch và VSMTNT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và vay vốn để xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh nâng cao chất lượng cuộc sống.