Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Chủ động nguồn nước ngọt cho dân

Ngày đăng: 13/03/2020

 

Những ngày gần đây, hạn hán và xâm nhập mặn bắt đầu tấn công một số địa phương trong khu vực ĐBSCL khiến cuộc sống và sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn.

Xác xơ chưa từng có

Toàn bộ vùng ngọt hóa hơn 44 ha ở tỉnh Cà Mau bây giờ xác xơ chưa từng có. Cây cối khô cằn, hoa màu queo quắt vì thiếu nước. Những cánh đồng nứt nẻ, lúa sắp đến ngày thu hoạch cháy khô. Tính đến thời điểm này, hơn 18.000/23.000 ha lúa ở vùng ngọt hóa Cà Mau đã thiệt hại hoàn toàn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hận - ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời - có 1 ha lúa đông xuân sắp đến ngày thu hoạch đã không vớt vát nổi hạt lúa nào. "Lúa vừa mới cong trái me, ngậm sữa thì hết nước khiến cho trà lúa không phát triển. Trước Tết, thấy lúa trổ bông nào bông nấy dài mướt rượt, tôi mừng. Nào ngờ, dính đợt hạn khốc liệt, bao công sức đổ vào vụ mùa này tan biến. Giờ tiền công dặm lúa, phun xịt thuốc và phân bón chưa trả được" - ông Hận chua chát. Khô hạn kéo dài làm cháy gần 21.000 m2 ruộng lúa đang chuẩn bị thu hoạch của 3 hộ Đỗ Thanh Dân, Bùi Trường Giang và Phạm Văn Biên ở ấp 1 tháng 5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời. Thời điểm cháy ngay lúc nắng gắt, gió lớn cộng thêm ruộng lúa bị khô hạn nên không thể cứu. Tổng thiệt hại khoảng 70 triệu đồng.

Còn tại xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), địa phương chuyên canh rau màu có tiếng ở Cà Mau cũng ảm đạm không kém. Nắng hạn đã làm khô cạn các kênh mương nước ngọt khiến cây cối, rau màu của địa phương héo úa, chết dần, chết mòn. "Gia đình tôi xuống giống 1 ha đậu xanh phát triển rất tốt, khoảng 3 tuần sau tưới phân thì gặp hạn, đậu không ra nổi rễ. Tôi cố gắng chăm sóc để hy vọng bán đủ chi phí đầu tư ban đầu là mừng lắm rồi" - ông Võ Văn Bền buồn bã.

Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhiều hộ dân xã Trần Hơi cũng bị khan hiếm. Chị Phạm Thị Thùy (ngụ ấp 5), cho hay do lượng nước từ các giếng khoan giảm nên gia đình chị phải tiết kiệm từng giọt nước. "Cả gia đình mỗi ngày trước đây bơm 30 phút là có khoảng 500 lít nước để dùng. Nay phải bơm 3 giờ mới đủ dùng" - chị Thùy nói.

Ông Nguyễn Văn Nhân, nhà vườn trồng chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đang rầu rĩ vì năm nay mặn bất ngờ tấn công vào các kênh, mương. "Từ trước tới nay, khu vực này không có mặn nhưng khoảng 2 tuần qua đã xuất hiện mặn trên sông từ 3-4‰, còn trong các kênh, mương từ 1-2‰. Do không chủ động trữ nước ngọt, tôi đành lấy nước mặn trong mương lên tưới vì cây chôm chôm đang ra trái" - ông Nhân nói. Ông Nhân không thể nào mua nước ngọt tưới cho 8 công chôm chôm và cũng không có phương tiện vận chuyển nước tới vườn nên ông chấp nhận mùa thu hoạch này, năng suất sẽ giảm. Trước tình hình này, xã Bình Hòa Phước đã "sáng chế" đập ngăn mặn từ sông Tiền vào để lấy nước từ sông Cổ Chiên (vì hiện độ mặn trên sông Cổ Chiên còn thấp). "UBND xã tổ chức làm đập, người dân đóng góp công lao động. Theo đó, sẽ đóng tràm, sắt, lưới B40 rồi dùng tấm bạt chôn dưới lớp đất" - ông Đẳng cho biết.

Chung tay cấp nước ngọt miễn phí

Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc không để người dân thiếu nước ngọt trong mùa hạn, mặn gay gắt năm nay, nhiều địa phương ở ĐBSCL đang khẩn trương làm mọi cách để đưa nước ngọt về với người dân.

Tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), nhờ nhà có xe tải và bồn chứa nước nên từ 12 - 24 giờ mỗi ngày, ông Đoàn Trung Hiếu (giáo viên Trường Trung cấp Gò Công) và em trai là Đoàn Trung Hậu miệt mài vận chuyển hàng chục ngàn lít nước phục vụ miễn phí cho người dân xã Tân Phước. Nhận mỗi ngày được khoảng 4 can nước ngọt, bà Nguyễn Thị Chát (ngụ ấp 5, xã Tân Phước), xúc động: "Cứ đến giờ, mọi người mang can ra và xếp hàng đợi tới lượt nhận. Khô hạn mà có những giọt nước thế này thì quá quý đối với bà con nơi đây".

Ở TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), doanh nghiệp Hiếu "Tân Ánh Dương" cũng chạy ngược chạy xuôi hằng ngày thuê xe bồn để chở nước về các huyện phía Đông cấp phát miễn phí cho người dân. Nhờ đó, hàng chục ngàn lít nước đã được đưa đến cho bà con mỗi ngày. Tại cuộc họp mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất cung cấp 30.000 m3 nước/ngày đêm (từ 13-3 đến 30-4) nhằm giải cứu hơn 12.000 ha sầu riêng ở các huyện phía Tây. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, hiện có khoảng 12.100 ha sầu riêng, vườn cây ăn trái ở các huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Châu Thành đang cần nước ngọt. Phương án là thuê HTX Rạch Gầm vận chuyển nước bằng sà lan giao cho các địa phương, UBND các xã chuẩn bị phương tiện trữ nước cho dân. Trước đó, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đã đến kiểm tra tình hình nước tưới tiêu ở xã Phú Phong (huyện Châu Thành), xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy). Hiện xã Phú Phong đang triển khai đắp ao chứa khoảng 2.000 m3 nước ngọt, dự kiến hoàn thành vào ngày 13-3, sẵn sàng cấp miễn phí cho người dân phục vụ tưới tiêu trên 200 ha cây ăn trái của 2 xã Phú Phong và Kim Sơn (huyện Châu Thành).

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, nhìn nhận theo kết quả khảo sát, trong mùa khô năm nay, có hơn 20.000 hộ dân ở tỉnh này bị ảnh hưởng do không có nước sinh hoạt. Riêng tại huyện An Biên, hiện hầu hết các con sông, rạch đều đã nhiễm mặn, độ mặn cao nhất là hơn 25‰ nên người dân không thể sử dụng. Để giải quyết khẩn cấp tình hình thiếu nước sinh hoạt tại một số khu vực ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh, đơn vị này đã thổi rửa 8 giếng khoan sẵn có, trong đó 5 giếng ở huyện Kiên Hải và 3 giếng ở Phú Quốc. Đồng thời, nâng cấp sửa chữa mở rộng tuyến ống ở các trạm cấp nước tại các xã đảo Lại Sơn, Hòn Tre (huyện Kiên Hải) và Cửa Cạn (huyện Phú Quốc) để bảo đảm khả năng phục vụ cấp nước ngọt cho dân. 

Ranh mặn có thể vào sâu 110 km

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, các địa phương tại ĐBSCL đang bước vào đợt xâm nhập mặn gay gắt, có thể lên cao nhất trong mùa mặn năm nay. Dự báo, đến ngày 15-3, ranh mặn 4 g/lít trên sông Cái Lớn sẽ xâm nhập sâu 55-58 km tính từ cửa biển. Trên hệ thống sông Cửu Long, phạm vi xâm nhập mặn sâu nhất là sông Hàm Luông, từ 68-80 km. Trên sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4 g/lít có thể vào sâu đến 110 km.

Đến thời điểm này, đã có 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp do hạn mặn là Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An. Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo 5 tỉnh này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chi cho mỗi tỉnh 70 tỉ đồng để ứng phó với tình trạng hạn, mặn.

 

message zalo