Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Cấp nước sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Cần sự phối hợp mang tính chất liên kết vùng

Ngày đăng: 26/03/2020

 

PV: Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay lại tiếp tục thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Giải pháp mang tính lâu dài ở đây là gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Ngay từ thời điểm năm 2014 - 2015, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khảo sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ xây dựng Dự án bảo đảm an ninh cấp nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ đạo quyết liệt việc lập quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả, ngày 08/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định 2140/QĐ-TTg.

Nội dung quy hoạch đã tính đến tác động của biến đổi khí hậu, yếu tố liên kết vùng liên tỉnh như việc quy hoạch xây dựng các nhà máy cấp nước liên vùng, xây dựng mạng lưới truyền tải nước thô, nước sạch kết nối. Ngoài ra, còn đề xuất một số giải pháp về xây dựng hồ, đập trữ nước để lưu giữ nước qua các sông, kênh... Đồng thời khuyến nghị sử dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn thành nước ngọt…

Bên cạnh đó, vì vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn kết với vùng Thành phố Hồ Chí Minh, nên ngày 22/12/2017, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, thì lĩnh vực cấp nước trong điều chỉnh quy hoạch xây dựng lần này đã có sự tính toán, cân nhắc liên kết với các tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long liền kề như Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Trong quy hoạch cấp nước đã xác định: Nguồn nước mặt từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, từ các hồ chứa nước lớn (Dầu Tiếng, Phước Hòa, Trị án, Đá Đen…).

Người dân xếp hàng dài lấy nước.

PV: Như vậy, các giải pháp về trung hạn và lâu dài cho cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có trong quy hoạch từ năm 2016, 2017. Vậy, vì sao người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến: Về mặt pháp lý, quy hoạch đã được phê duyệt là cơ sở triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, bao gồm cả lập kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, nhưng chúng ta đã triển khai thực hiện quá chậm, có nhiều nhiệm vụ chưa triển khai. Mặt khác, mùa khô những năm 2017, 2018 vùng Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không thiếu nước, hiện tượng xâm nhập mặn, thiếu nước chỉ xảy ra cục bộ… nên chúng ta có phần chủ quan.

PV: Nguyên nhân do đâu mà việc thực hiện quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại chậm, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân đầu tiên là do thể chế, cơ chế chưa đầy đủ, chưa đồng bộ khi triển khai một dự án mang tính chất liên vùng, liên tỉnh. Ví dụ, khi đầu tư xây dựng một nhà máy cấp nước liên vùng, vấn đề đặt ra là: Vốn từ đâu, ai là chủ đầu tư, ai quản lý vận hành công trình, việc đầu tư xây dựng mạng lưới truyền tải kết nối như thế nào, giá nước được xác định bao nhiêu là hợp lý để các địa phương chấp thuận… Chúng ta đã chưa có câu trả lời thỏa đáng về các vấn đề này.

Nguyên nhân thứ hai là do thiếu sự phối hợp để giải quyết các vấn đề mang tính liên kết vùng hay sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng trong việc cấp nước sinh hoạt cho người dân, trong thời gian hiện nay có thể thấy mỗi một số địa phương trong vùng đang có những cách làm khác nhau mà thiếu sự phối hợp, cùng “ngồi” với nhau để tìm các giải pháp vừa mang tính trước mắt vừa mang tính dài hạn để giải quyết một vấn đề chung.

PV: Vậy, trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc cung cấp nước sạch cho người dân là gì?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn trước nhất thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, không thể giao khoán cho các doanh nghiệp ngành Nước chịu trách nhiệm.

Giải quyết vấn đề cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi phải có sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng và không thể thành công nếu chúng ta cứ tiếp tục cách làm như hiện nay. Như vậy, đòi hỏi các Bộ, ngành đặc biệt là chính quyền các địa phương trong vùng phải có trách nhiệm chủ động tổ chức triển khai hoặc phối hợp triển khai các nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao trong quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đang có khoảng 82.000 hộ dân dân thiếu nước sinh hoạt. Trong thời gian tới, con số này có khả năng tăng lên gấp đôi (Tổng cục Thủy lợi).

Khi đầu tư xây dựng một nhà máy cấp nước liên vùng, vấn đề đặt ra là: Vốn từ đâu, ai là chủ đầu tư, ai quản lý vận hành công trình, việc đầu tư xây dựng mạng lưới truyền tải kết nối như thế nào, giá nước được xác định bao nhiêu là hợp lý…

 

message zalo