Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Cao Bằng: Tăng tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch còn nhiều khó khăn

Ngày đăng: 06/08/2024

 

Thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) hiện chỉ còn 1 xóm (Lũng Đốn) chưa được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Bằng nguồn kinh phí tăng thu và tiết kiệm chi năm 2023, huyện sẽ đầu tư thi công mở rộng mạng lưới cấp nước sạch đến xóm Lũng Đốn để đảm bảo từ nay đến hết năm 2024, 100% xóm của thị trấn Thanh Nhật được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung. Đối với khu vực nông thôn (các xã), cơ bản các hộ dân được sử dụng nước sạch, một số xóm do công trình cấp nước tập trung đầu tư đã lâu, không được sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên nên hạn chế trong việc cung cấp nước sạch cho người dân. Ông Thẩm Văn Định, xóm Kỳ Lạc, xã Quang Long (Hạ Long) chia sẻ: Tại khu vực có một bể nước tập trung nhưng do không được bảo dưỡng nên hiện nay một số vòi bị hỏng, người dân thỉnh thoảng mới sử dụng nước từ bể tập trung.

Từ các nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác, trong những năm qua, điều kiện cấp nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh dần được cải thiện. Từ năm 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh triển khai 5 dự án cấp nước sạch đô thị và 1 dự án cấp, trữ nước vùng nông thôn tại Lục Khu (Hà Quảng) theo Kế hoạch số 1307/KH-UBND về việc phát triển hệ thống cấp nước, nâng cao tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch tại các đô thị và tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh tại nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2025. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và các đơn vị cung cấp nước đã đưa tỷ lệ dân cư đô thị trên địa bàn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt 86,9% và tại khu vực nông thôn đạt 93,15%. Trong đó, đối với dân cư đô thị, một số khu vực đạt tỷ lệ khá cao như: thị trấn Tà Lùng, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa) đạt 100%, Thành phố đạt 99,55%, thị trấn Đông Khê (Thạch An) và thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh) 98%, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng) 98,3%. Đối với nông thôn, đạt tỷ lệ cao nhất là dân cư các xã của huyện Bảo Lạc với 95,09%; các huyện: Hòa An, Thạch An, Hạ Lang, Trùng Khánh, Bảo Lâm, Quảng Hòa đều đạt trên 93%. Thấp nhất là thị trấn Tĩnh Túc và thị trấn Pác Mjầu 0%, thị trấn Xuân Hòa 40,23%, thị trấn Trà Lĩnh 52% đối với khu vực đô thị và huyện Hà Quảng 90,07%, huyện Nguyên Bình 91,15% đối với khu vực nông thôn.

Mặc dù tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch dần được cải thiện, song việc đầu tư, thi công các công trình cấp nước còn nhiều khó khăn trong khi kế hoạch đề ra đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch là 100% đối với đô thị và 95% đối với nông thôn. Thực hiện Kế hoạch số 1307/KH-UBND, tỉnh có 11 công trình cấp nước đô thị với tổng mức đầu tư 266,2 tỷ đồng và 1 công trình cấp nước nông thôn với kinh phí 67,425 tỷ đồng được triển khai. Tuy nhiên, trong số này có đến 5 dự án chưa thực hiện do các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí. Bên cạnh đó, do đặc thù điều kiện địa hình, một số khu vực dân cư thưa thớt, sống ở đồi núi cao, việc đầu tư đường ống cấp nước đến những địa điểm này không khả thi vì kinh phí đầu tư lớn, khó thu hồi vốn. Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có quy mô nhỏ, suất đầu tư cho một hộ gia đình lớn nên không thu hút được nhà đầu tư, xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư cấp nước sinh hoạt nông thôn. 

Đơn cử như Dự án xây dựng nhà máy cấp nước sạch thị trấn Trà Lĩnh (Trùng Khánh) có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng đã hoàn thành, dự kiến vận hành trong năm 2024. Công tác bàn giao công trình này để vận hành, khai thác còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ, hiện còn thiếu kinh phí để triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống đường ống cấp 2 cấp nước cho người dân khu vực thị trấn và một số xã lân cận thuộc vùng phục vụ cấp nước của dự án nên việc tăng tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch năm 2024 vẫn còn rất nan giải. Công trình cấp nước sạch thị trấn Xuân Hòa và xã Ngọc Đào (Hà Quảng) tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, khởi công năm 2021, hoàn thành năm 2022, bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên Cấp nước quản lý, khai thác, vận hành từ tháng 1/2024 nhưng do công trình có tổng mức đầu tư lớn, giá trị khấu hao tài sản lớn làm cho giá nước sạch tại khu vực này cao hơn rất nhiều lần giá bán nước hiện nay tại các thị trấn trên địa bàn tỉnh. Công ty cung cấp nước cho người dân từ tháng 1/2024 nhưng chưa thu được tiền nước, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tính giá bán nước sạch và phê duyệt giá bán nước sạch đối với các khu vực có công trình cấp nước được đầu tư mới.

Theo Quyết định số 1766/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tăng tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch tại các đô thị từ 86,9% (năm 2023) lên 93% (năm 2024), tuy nhiên có 6/13 đô thị xin điều chỉnh tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch năm 2024 (Thành phố, Hòa An, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Hà Quảng, Bảo Lạc) do các địa phương xét thấy không đủ khả năng thực hiện đảm bảo kế hoạch. Do đó, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch tại các đô thị năm 2024 giảm xuống là 90,7%. Để đảm bảo kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước, nâng cao tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch tại các đô thị, năm 2024, toàn tỉnh đầu tư 14 công trình với tổng nhu cầu kinh phí tỉnh bố trí để triển khai các dự án là 41,156 tỷ đồng, ngoài ra còn có nguồn vốn do các địa phương bố trí, nhân dân đóng góp và huy động khác. Bên cạnh việc lồng ghép từ các chương trình, các địa phương tận dụng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư xây mới các công trình cấp nước nhằm nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung. Trong đó, huyện Hòa An có giải pháp là cùng với nguồn vốn ngân sách 3,92 tỷ đồng, huyện huy động nhân dân đóng góp và huy động khác 0,08 tỷ đồng để mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho một số hộ dân tại trung tâm thị trấn Nước Hai; Thành phố tăng cường mở rộng hệ thống nước sạch đô thị kéo dài đến các xóm, xã nông thôn liền kề để phục vụ cấp nước sạch; các huyện Nguyên Bình, Trùng Khánh, Hà Quảng, Bảo Lạc vận động người dân đấu nối, sử dụng nước từ hệ thống cấp nước sạch các thị trấn Nguyên Bình, Trùng Khánh, Xuân Hòa, Bảo Lạc. 

Đối với dân cư nông thôn, bên cạnh việc tận dụng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư xây mới các công trình cấp nước, các huyện tăng cường việc quản lý vận hành các công trình cấp nước; thường xuyên bố trí nguồn vốn để duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung, đồng thời tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ công trình để nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 

message zalo