Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Cao Bằng nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

Ngày đăng: 26/05/2022

 

Những năm qua, việc xây dựng các công trình cấp nước sạch cho người dân ở các khu vực còn nhiều khó khăn đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện bằng nhiều nguồn vốn đầu tư.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Cao Bằng hiện có 1.332 công trình cấp nước tập trung được đầu tư hoàn chỉnh theo tiêu chí quy định, tuy nhiên theo đánh giá thì chỉ có 75 công trình hoạt động bền vững, 909 công trình tương đối bền vững, 193 công trình hoạt động kém hiệu quả và 155 công trình không hoạt động. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tập trung triển khai các giải pháp, hoạt động nâng cao năng lực quản lý vận hành, cải tạo sửa chữa công trình kém bền vững, không hoạt động.

Tại xóm 3, xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng, (Cao Bằng), năm 2021, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã triển khai thực hiện công trình cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư của trung tâm xã, với tổng nguồn vốn gần 5,2 tỷ đồng. Các hạng mục triển khai là đấu nối lấy nước từ thành phố Cao Bằng tại khu vực UBND xã Chu Trinh và khu dân cư dọc Quốc lộ 4A để mở rộng mạng lưới cấp nước cho dân cư tại 3 xóm: Nà Tâu, Nà Sảo, Nà Chang. Sau một thời gian sử dụng thử nghiệm, đến nay, công trình đã đảm bảo cung cấp nước sạch hợp vệ sinh cho 245 hộ dân, 6 công sở và nhà văn hoá cộng đồng, với trên 1.000 nhân khẩu hiện tại và các nhu cầu sinh lợi khác.

Ông Liêu Văn Hợp, Trưởng xóm 3 xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng cho biết: Trước khi được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung này, người dân trong xóm cũng đã chủ động xây lắp các công trình phụ trợ để lọc nước như: bể lắng, máy lọc, lọc nước mưa, dẫn nước từ khe rạch…, để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Kinh phí mua sắm thiết bị lớn nhưng nguồn nước vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe do chưa đảm bảo vệ sinh.

“Giờ đây, được Nhà nước đầu tư công trình nước sạch mới, người dân ai ai cũng phấn khởi. Về mặt vệ sinh môi trường sẽ đảm bảo hơn và người dân được hưởng lợi nhiều hơn, chất lượng cuộc sống cũng sẽ được nâng lên rất nhiều”. Ông Liêu Văn Hợp phấn khởi cho biết.

Không chỉ riêng xóm 3, xã Chu Trinh, thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã thi công hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 38 công trình, đạt 12.600 đấu nối. Giai đoạn từ năm 2017 - 2020, đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành xây mới và cải tạo sửa chữa 56 công trình nước sạch và nhà vệ sinh trường học; phối hợp với Sở Y tế đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 15 công trình cấp nước và vệ sinh Trạm y tế xã; đã mở lớp hướng dẫn quản lý, vận hành công trình cấp nước, rà soát tổng hợp báo cáo.

Để các công trình phát huy hiệu quả, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã thường xuyên tổ chức lồng ghép nội dung cấp nước an toàn trong các lớp tập huấn quản lý, vận hành hằng năm trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền hướng dẫn các hộ sử dụng bình lọc, giữ gìn vệ sinh nguồn nước nhỏ lẻ…, qua đó đã góp phần nâng tỷ lệ số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng lên hơn 91%.

Ông Hoàng Đình Đà, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng nguồn nước, để nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Đồng thời, tận dụng nguồn vốn của các nhà tài trợ cũng như các tổ chức để đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Sử dụng lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp để tập huấn, đào tạo cũng như nâng cao hiệu quả của các tổ quản lý vận hành có điều kiện để nâng cao trình độ về sửa chữa nhỏ, quản lý vận hành các công trình đạt chất lượng. Tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến năm 2025 có 95% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh.

“Để đạt được kết quả đó thì rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, năng lực quản lý, vận hành, khai thác, bảo dưỡng thường xuyên công trình cấp nước sinh hoạt và sử dụng tiết kiệm. Đó là cơ sở trong việc phát huy tối đa hiệu quả sử dụng công trình nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”. Ông Hoàng Đình Đà cho biết thêm.

 

message zalo