Đang tải...
Ngày đăng: 07/08/2019
Mục tiêu của chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Chương trình gồm 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn, vệ sinh nông thôn, nâng cao năng lực truyền thông và thay đổi hành vi cho cộng đồng. Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2016, dự kiến kéo dài đến tháng 7 năm 2023 với tổng mức đầu tư trên 231 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới 210 tỷ 870 triệu đồng, vốn đối ứng hơn 20 tỷ đồng. Năm 2018, đã triển khai 19 gói thầu cấp nước hộ gia đình, đầu tư 10 công trình cấp nước vệ sinh trường học trên địa bàn 5 xã thuộc 2 huyện Hoà An và Nguyên Bình; đầu tư 9 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế tại 9 xã của 5 huyện Thạch An, Hoà An, Trùng Khánh, Nguyên Bình và Phục Hoà với tổng vốn đầu tư các chương trình trên 37 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh toàn tỉnh đạt 49,73%; số trạm y tế xã, phường có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 94,5%; số trường học có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 60%; hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại hợp vệ sinh đạt trên 56%. Trên địa bàn tỉnh có 886 công trình cấp nước tập trung. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88%.
Năm 2019, dự kiến vốn đầu tư xây dựng cho các chương trình gần 70 tỷ đồng, vốn sự nghiệp chi từ ngân sách địa phương 3 tỷ đồng. Trong đó có 6 xã thực hiện vệ sinh toàn xã gồm: Phù Ngọc, Đào Ngạn (Hà Quảng), Chí Thảo, Phi Hải (Quảng Uyên), Đức Long, Đức Xuân (Thạch An); tiếp tục duy trì các xã thực hiện những năm trước; đẩy mạnh công tác truyền thông về cải thiện thói quen rửa tay bằng xà phòng, chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và tăng cường sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tăng cường tiếp cận bền vững với nước sạch và tăng độ bao phủ nước hợp vệ sinh cho khu vực nông thôn thông qua việc thay đổi nhận thức và tiếp cận của các cấp, ngành, đặc biệt là cộng đồng dân cư. Việc sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp sẽ góp phần đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn.