Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Cần tăng cường bảo vệ nguồn nước dưới đất cho vùng ĐBSCL

Ngày đăng: 07/11/2019

 

Báo động tình trạng khai thác nước dưới đất

Hiện tỉnh Cà Mau có trên 138.000 giếng khoan, với khối lượng nước dưới đất khai thác khoảng 400.000m3/ngày đêm. Tại hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu mới đây tại Cần Thơ, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân tỉnh Cà Mau phụ thuộc hoàn toàn vào nước dưới đất.  

Cũng theo ông Lâm Văn Bi, việc khai thác nước dưới đất quá mức không chỉ làm cho tình trạng suy thoái tài nguyên nước ngày càng nghiêm trọng mà còn là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún đất trên địa bàn tỉnh. Theo dự báo trong vòng 25 năm tới, nếu tình trạng khai thác nước ngầm vẫn cứ tiếp tục gia tăng như hiện nay thì sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau sẽ tăng lên đến 90cm.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, hiện địa phương này có tổng cộng 107.206 giếng, trong đó có 106.402 giếng khoan và 804 giếng đào; mật độ công trình khai thác nước ngầm so với diện tích của toàn tỉnh là 32 giếng/km2. Toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 181.921 hộ sử dụng nước dưới đất cho sinh hoạt, sản xuất và nuôi trồng thủy sản, với tổng lượng nước dưới đất được khai thác là 338.148m3/ngày đêm.

Ông Ung Văn Đẳng, Phó trưởng Phòng Khoáng sản và Khí tượng Thủy văn- Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh Sóc Trăng tiếp giáp với biển nên chất lượng nguồn nước mặt không ổn định, vì vậy người dân đã tăng cường khai thác nước dưới đất phục vụ sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản, điều này khiến cho các tầng nước ngầm ngày càng sụt giảm.

Qua kết quả đo đạc của ngành chứng năng tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2007 đến nay, mực nước dưới đất diễn biến theo chiều hướng hạ thấp theo từng năm, ví dụ như tầng qp3 có mực nước hạ thấp trung bình mỗi năm là 0.24m; tầng qp2-3 mực nước hạ thấp trung bình 0.35m,…

Tại tỉnh Hậu Giang, qua rà soát, thống kê của ngành chức năng hiện địa phương này có khoảng 46.000 giếng khoan của các hộ dân. Theo Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, do việc khai thác của người dân ngày càng cao làm cho nước dưới đất ở một số khu vực bị nhiễm mặn.

Cụ thể, theo số liệu quan trắc mới đây của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường Hậu Giang cho thấy, nồng độ mặn trong nước ngầm ở độ sâu 76m đã tăng lên 250mg/l, cao hơn 146mg/l so với năm 2013, còn ở độ sâu 22m thì nồng độ mặn đo được lên đến trên 1.300mg/l vượt ngưỡng cho phép hơn 5 lần.

Thực hiện tổng hợp các giải pháp

Để quản lý, bảo vệ hiệu quả nguồn nước ngầm, ông Ung Văn Đẳng cho biết trong thời gian tới, Phòng Khoáng sản và Khí tượng Thủy văn sẽ tiếp tục điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; tăng cường khai thác nguồn nước mặt ở những vùng có chất lượng nước tốt, lượng nước dồi dào phục vụ cho các mục đích sử dụng để giảm áp lực cho nguồn nước dưới đất.

Và khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; xây dựng các trạm quan trắc, dự báo, cảnh báo về tài nguyên nước để có đầy đủ thông tin số liệu phục vụ công tác quản lý; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, phù hợp với điều kiện khó khăn về nguồn nước. 

Trao đổi với phóng viên báo TN&MT, Ths Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi Khí hậu TP. Cần Thơ cho biết, việc khai thác nước dưới đất không theo quy hoạch ở một số địa phương vùng ĐBSCL trong thời gian qua không chỉ làm cho nguồn tài nguyên nước sụt giảm, ô nhiễm gia tăng mà còn gây ra tình trạng sụt lún đất.

Ths Kỷ Quang Vinh đề xuất: "Để khắc phục tình trạng này là phải tìm nguồn nước mặt đảm bảo cung cấp cho người dân, khi đã có nước mặt sử dụng thì người dân không còn khai thác nước dưới đất nữa. Bên cạnh đó cũng cần tính tới giải pháp bơm nguồn nước sạch vào tầng nước dưới đất nhằm giữ cố định cho không bị sụt lún nữa". 

Qua trao đổi với phóng viên báo TN&MT, PGS TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu- Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, để quản lý, bảo vệ hiệu quả nguồn nước dưới đất, các cơ quan chức năng vùng ĐBSCL triển khai tổng hợp các giải pháp kiểm soát nguồn thải ra các sông rạch để có nước mặt sạch phục vụ nhu cầu của người dân.

Và đối với vùng khai thác nước ngầm để sản xuất thì áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng thích nghi. Ngoài ra, công tác tuyên truyền thực hiện thường xuyên, lâu dài giúp từng nhóm đối tượng thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước.

Cũng theo PGS TS Nguyễn Hiếu Trung, ứng phó tình trạng thiếu nước cần có giải pháp trước, trong và sau đợt khô hạn. Cụ thể, thời điểm trước xảy ra hạn hán các địa phương, người dân phải trữ nước, thay đổi lịch thời vụ; vào thời điểm khô hạn tính toán sử dụng nước dưới đất cho mục đích gì; sau mỗi đợt hạn hán, đánh giá lại tình hình để rút kinh nghiệm ứng phó tốt hơn cho các năm tiếp theo.

 

message zalo