Đang tải...
Ngày đăng: 20/11/2023
Do vậy, các cơ quan quản lý của thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các dự án, kiên quyết thay thế chủ đầu tư đối với các dự án bị chậm tiến độ để nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới cấp nước cho thành phố.
Theo Kế hoạch 311 của UBND thành phố Hà Nội, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cư dân đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 100%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 98-100%.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố Hà Nội giao thực hiện 7 dự án phát triển nguồn nước tập trung, 10 dự án đầu tư mới và cải tạo mạng lưới cấp nước truyền dẫn cấp I,II và mạng lưới cấp nước phân phối dịch vụ cấp III, IV; 27 dự án (bao gồm 19 dự án đã xây dựng trong giai đoạn 2017-2020) xây dựng mạng lưới cấp nước phân phối khu vực nông thôn.
Thời gian qua, thành phố đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng và mở rộng mạng lưới cấp nước theo kế hoạch và tốc độ phát triển đô thị.
Theo Kết luận giám sát tình hình cung cấp nước sạch do HĐND thành phố công bố cuối tháng 9 vừa qua, về mạng lưới cấp nước, ở khu vực nông thôn, trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023 đã triển khai 5 dự án và có thêm 27 xã được đầu tư hệ thống đường ống cấp nước.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 139 trên tổng số 413 xã chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Trong khi chỉ còn 2 năm nữa là đến thời điểm thành phố hoàn thành mục tiêu toàn bộ các xã trên địa bàn được tiếp cận nước sạch.
Còn theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện chỉ có 22/29 dự án phát triển mạng lưới cấp nước hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Thành phố vẫn còn 4 dự án chậm triển khai thực hiện và 3 dự án nhà đầu tư chưa thực hiện.
Việc chậm triển khai các dự án đầu tư các công trình cấp nước sạch và phát triển mạng phân phối, dịch vụ cấp nước sạch không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển đồng bộ của hệ thống cấp nước sinh hoạt của thành phố mà còn ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận nước sạch của người dân, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
Do vậy, thời gian tới, thành phố cần có những giải pháp quyết liệt để xử lý tình trạng này.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần nhanh chóng tiến hành rà soát, kiểm tra, các dự án xây dựng hạ tầng cấp nước chậm tiến độ, chưa thực hiện, tìm hiểu khó khăn, nguyên nhân gây chậm tiến độ để đưa ra những giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Đối với những dự án chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai, không đảm bảo yêu cầu về công nghệ, vốn, cơ quan quản lý Nhà nước cần kiến nghị thành phố xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, thay thế nhà đầu tư nhằm đảm bảo cho các dự án thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng tiến độ.
Về phía các Sở, ngành, UBND các huyện thị xã cũng cần khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư vào tiếp nhận vận hành, nâng cấp các công trình cấp nước sạch nông thôn hiện có.
Trong tâm lý của các nhà đầu tư, yếu tố lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu là điều tất yếu. Trong khi đầu tư phát triển mạng truyền dẫn, mạng phân phối, dịch vụ cấp nước đòi hỏi nguồn vốn lớn, thu hồi vốn lâu hơn.
Tuy nhiên, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân, việc cung cấp nước sạch cho người dân còn mang ý nghĩa xã hội to lớn, giúp ổn định cuộc sống và trật tự đô thị. Bởi vậy, đây cũng là lúc, các chủ đầu tư cần thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của mình đối với thành phố, đối với người dân thủ đô.
Trong bối cảnh thành phố đang có những điều chỉnh về quy hoạch thủ đô, các cơ quan quản lý cũng sớm có những điều chỉnh về quy hoạch mạng lưới cấp nước cho phù hợp. Đồng thời, hoàn thiện khung chính sách, pháp luật, bổ sung các quy định, chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư không thực hiện theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đảm bảo thị trường nước sạch được hoạt động một cách công khai, minh bạch công bằng.
Điều quan trọng, các Sở, ban ngành có liên quan cần đề cao sự đồng bộ trong tư duy và quy hoạch, để có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai, giám sát quá trình thực hiện các dự án.