Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Các tỉnh Tây Nguyên thận trọng mở rộng diện tích cây mắc ca

Ngày đăng: 27/03/2017

(Mard-27/03/2017) - Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 2.266 ha cây mắc ca, chiếm hơn 64% diện tích cây mắc ca của cả nước, sản lượng quả tươi thu hái được trong năm 2016 là 246 tấn, chiếm gần 91,5% sản lượng của cả nước. Diện tích cây mắc ca này tập trung chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng chiếm 44,04%, Đắk Nông chiếm 35,30%, kế đến là tỉnh Đắk Lắk… 
Mắc ca là loại cây mới được đưa vào trồng thử nghiệm ở Tây Nguyên, bước đầu cho thấy cây có thể sinh trưởng phát triển được ở một số vùng sinh thái, nhất là những vùng có khí hậu lạnh. Sau 5 đến 7 năm trồng, cây mắc ca đã cho năng suất, nên có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên. 
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đây là loài cây mới nên cần phải đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi ra sản xuất, nhất là công tác chọn giống, quy hoạch vùng trồng cho cây mắc ca gắn với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho người trồng. Thực tế, một số vùng như Krông Năng (Đắk Lắk), Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà (Lâm Đồng) đồng bào đã trồng xen trong vườn cà phê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao từ tăng thêm thu nhập cho người trồng đến việc cải tạo môi trường sinh thái trong các lô cà phê. 
Gia đình anh Nguyễn Đình Thu, thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) trồng 100 cây mắc ca nay đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch hơn 3 năm (vườn cây 10 năm tuổi), mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2016, gia đình anh thu được 1,8 tấn quả, sau khi trừ chi phí còn thu được 300 triệu đồng. Anh Thu hồ hởi cho biết, cây mắc ca dễ trồng, ít công chăm sóc, nhất là ít đầu tư nhưng lãi cao hơn nhiều so với cây cà phê. 
Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo, mắc ca là một loại cây trồng mới, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu về đất đai, khí hậu, kỹ thuật, giống…nên người dân không nên trồng ồ ạt dễ gây ra nhiều hệ luỵ. 
Hiện nay, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã có 4 dòng mắc ca gồm 246, 816, OC, 849 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, đây là những giống mắc ca cho năng suất cao, kháng nhiều sâu bệnh hại…Thế nhưng, do chạy theo phong trào, nhiều đồng bào bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng ồ ạt mở rộng diện tích đưa cây mắc ca vào trồng ở những vùng đất, khí hậu không thích hợp, nghiêm trọng hơn, sử dụng các loại giống không rõ nguồn gốc, giống kém chất lượng nên cây phát triển nhưng không có cho quả, hoặc tỷ lệ đậu quả rất thấp. 
Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nay đến năm 2020, tổng diện tích trồng cây mắc ca tại các tỉnh Tây Nguyên là 6.490 ha, trong đó trồng thuần chỉ có 550 ha, diện tích còn lại 5.940 ha trồng xen trong các vườn cà phê, chè, gắn với xây dựng 6 cơ sở chế biến, với công suất từ 100 đến 200 tấn/năm/cơ sở. Diện tích cây mắc ca này chủ yếu tập trung ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông./. 
message zalo