Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Các tỉnh Tây Nguyên khuyến khích phát triển kinh tế trang trại

Ngày đăng: 03/07/2017

(Mard-03/7/2017) - Phát huy thế mạnh về đất đai, khí hậu thích hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi, các tỉnh Tây Nguyên đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trại sản xuất kinh doanh cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… 
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên có 3.276 trang trại các loại; trong đó, có gần 2.320 trang trại trồng trọt, trên 900 trang trại chăn nuôi, số trang trại còn lại là trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh tổng hợp. Các trang trại ở Tây Nguyên cũng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động, chủ yếu là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. 
Thống kê cho thấy, chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk đã có 732 trang trại, tăng 27 trang trại so với năm 2015, trong đó có 350 trang trại trồng trọt, 301 trang trại chăn nuôi, còn lại là các trang trại lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh tổng hợp. Các trang trại ở Đắk Lắk có tổng vốn đầu tư 1.089 tỷ đồng, bình quân 1,5 tỷ đồng/trang trại; trong đó, vốn vay chiếm 24% còn lại vốn tự có của các trang trại. Các trang trại ở tỉnh Đắk Lắk cũng đã giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động, với mức thu nhập từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày công lao động… 
Bên cạnh đó, các trang trại trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển các loại cây trồng có yêu cầu nước lớn hơn sang các loại cây trồng có nhu cầu nước thấp hơn, có khả năng chịu hạn tốt nhưng được thị trường ưa chuộng, cho thu nhập cao hơn. Chẳng hạn như trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, chuyển diện tích cà phê hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp, kém hiệu quả kinh tế sang trồng bơ sáp cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. 
Mặt khác, các trang trại cũng đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đưa các giống cây, con mới sản xuất thâm canh nên năng suất cây trồng, vật nuôi luôn đạt cao. Nhiều trang trại ở Tây Nguyên không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cung ứng các nguồn giống cây, con mới có chất lượng mà còn tích cực mở rộng các dịch vụ kỹ thuật, làm đầu mối cung cấp vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiêu thụ nông sản cho đồng bào các dân tộc trong vùng… 
Trang trại của chị Nguyễn Thị Thái Hà, ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có 22 ha vừa trồng hồ tiêu, bơ Booth 7, sầu riêng cơm vàng hạt lép xen trong vườn cà phê…, mỗi năm có tổng thu nhập trên 7 tỷ đồng. 
Chị Thái Hà cho biết, ngoài việc đưa các giống mới vào trồng (từ cà phê đến cây ăn quả), áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, chị còn mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, với công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trên toàn bộ diện tích cây trồng nên năng suất, chất lượng cây trồng luôn được nâng cao, giảm được chi phí, cho lợi nhuận cao. 
Mô hình trang trại trồng xen tiêu, bơ với 15 ha cà phê của gia đình ông Nguyễn Bá Phước ở vùng sâu Quảng Tiến, cũng huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) mỗi năm cũng thu về hàng tỷ đồng. Riêng năm 2016, trang trại của ông Nguyễn Bá Phước đã thu lãi gần 2,4 tỷ đồng… 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển kinh tế trang trại ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập, phần lớn các trang trại đều hình thành tự phát, tự huy động vốn, tự xác định cây trồng, vật nuôi, nhiều trang trại chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa chủ động được đầu ra của sản phẩm nên giá cả còn bấp bênh. 
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã kiến nghị các đơn vị chức năng, các địa phương vùng Tây Nguyên cần sớm có cơ chế chính sách tích tụ ruộng đất; ưu đãi về tín dụng cũng như xây dựng cơ chế, chính sách liên vùng trong việc hỗ trợ; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp nói chung và kinh tế trang trại nói riêng, tạo chuỗi gắn với chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao. 
Cùng đó, các tỉnh Tây Nguyên cũng tiến hành lập quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, tạo sự liên kết giữa các trang trại với các nhà khoa học, nhà đầu tư với các đơn vị cung ứng nguyên liệu đầu vào. Mặt khác, tiến hành bao tiêu sản phẩm và hình thành các vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển kinh tế trang trại với công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng …góp phần phát triển bền vững ngành nông, lâm nghiệp vùng Tây Nguyên./. 
message zalo