Đang tải...
Ngày đăng: 24/05/2017
Vụ Đông Xuân 2016-2017, các tỉnh phía Bắc đã gieo cấy được 1.145.000 ha, giảm 10.500 ha so với vụ Đông Xuân năm trước, năng suất trung bình ước đạt 62,2 tạ/ha với sản lượng 7,12 triệu tấn.
Cơ cấu giống lúa chủ yếu là các giống ngắn ngày, giống chất lượng. Đến nay các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đã cơ bản thu hoạch xong, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang thu hoạch rộ.
Vụ Đông Xuân 2016-2017 có thời tiết khí hậu thuận lợi nên mức độ phát sinh, gây hại của sâu bệnh thấp, nông dân ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều hộ nông dân chỉ phải phun thuốc 1 lần/vụ.
Riêng tỉnh Thanh Hóa đã tiết kiệm được tiền thuốc bảo vệ thực vật lên đến 300 tỷ đồng.... Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp các tỉnh phía Bắc được mùa.
Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2017 của các tỉnh phía Bắc, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, trong vụ mùa 2017, các tỉnh thành cần ưu tiên cơ cấu giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày, đồng thời sử dụng bộ giống có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh bạc lá.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, khi sản xuất vụ Mùa, các tỉnh thành cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp... nhằm giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng năng suất, sản lượng và rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa, qua đó lúa tránh bị ngập lụt vào cuối vụ.
Các địa phương cũng cần tu bổ, nạo vét kênh mương để có đủ nước tưới và cần có mạ dự phòng khi có diễn biến thời tiết bất thuận để gieo cấy lại diện tích mạ, lúa bị chết.
Vụ Mùa 2017, các tỉnh phía Bắc có kế hoạch gieo cấy 1.308.000 ha, giảm khoảng 16.000 ha so với năm 2016 (do chuyển đổi sang các loại cây rau, màu có hiệu quả kinh tế cao hơn).
Năng suất trung bình dự kiến đạt 50,3 ta/ha, tăng 0,4 tạ so với năm 2016, sản lượng ước đạt trên 6,57 triệu tấn. Để có vụ Mùa đạt năng suất cao và tránh bị bão lụt, các tỉnh, thành khu vực phía bắc cần tranh thủ làm đất ngay sau khi gặt lúa Đông Xuân.
Tại hội nghị các chuyên gia cũng khuyến cáo nông dân nên sử dụng các chế phẩm sinh học phân hữu cơ như Trichoderma, bón thêm vội trước khi cày lồng gốc rạ để hạn chế sâu bệnh.
Các tỉnh, thành cũng cần bán sát diễn biến khí hậu thời tiết để chỉ đạo kịp thời, chủ động và có phương án phòng chống úng ngập ngay từ đầu vụ và hạn chế tối đa thiệt hại do bão, ngập úng và sâu bệnh.
Phó Giáo sư Trịnh Khắc Quang, Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay các tỉnh phía Bắc đang áp dụng nhiều giống có năng suất chất lượng cao, tuy nhiên một số giống như giống BC15 cần cải tạo một số tính trạng như khả năng chống chịu với sâu bệnh thì sẽ cho năng suất, chất lượng lúa tốt hơn.
Phó Giáo sư Trịnh Khắc Quang cũng đề nghị, các cấp ngành khi công nhận giống lúa đại trà thì những giống lúa đó cũng cần phải có mức chống chịu với sâu bệnh từ mức trung bình trở lên. /.