Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Cà Mau: Oằn mình chống hạn mặn - Bài 2: Chật vật vì hạn mặn

Ngày đăng: 05/02/2020

 

Mực nước dưới các tuyến kênh vùng ngọt hoá, nhất là địa bàn huyện Trần Văn Thời đã khô kiệt, gây sụt lún đất nghiêm trọng dọc theo tuyến kênh, hư hỏng lộ nông thôn trên diện rộng.

Sụp lún nhiều nơi

Tiếp xúc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hiền, Ấp 5, xã Khánh Bình Đông chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện đoạn lộ về trung tâm xã trước nhà bị sụp lún cách đây mấy ngày. “Tôi vừa thấy 2 đứa cháu cùng xóm đang đứng nói chuyện, chưa kịp quay lưng đi thì nghe tụi nó la toáng lên, nhìn lại thấy đã nằm dưới mé mương, còn con lộ thì sụp một đoạn dài hơn 10 m. Đã sống gần 70 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh này, nó diễn ra trong tích tắc mà trước đó gần như không có dấu hiệu gì”, bà Hiền cho biết.

Không chỉ có khu vực nhà bà Hiền mà trên tuyến đường này có ít nhất 4-5 điểm đang trong tình trạng sụp lún, có chỗ sụp đến thân lộ, có chỗ đã lấn sâu gần tới lộ. Tình trạng lộ bị sụp lún khiến giao thông đi lại vô cùng khó khăn, nhất là việc giao thương mua bán nông sản. Dưới kênh thì khô nước, xuồng ghe không thể di chuyển, trên bờ lộ bị sụp lún, xe tải cũng không thể lưu thông, chỉ còn phương án vận chuyển bằng xe máy. Lợi dụng tình hình này, một số thương lái ép giá nông sản của bà con.

Ngoài tuyến đường về trung tâm xã bị sụp lún, vẫn còn rất nhiều tuyến lộ nối liền với ấp cũng trong tình trạng này và ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 147 tuyến lộ nông thôn bị sụp lún với chiều dài hơn 14 km. Trong đó, chỉ riêng địa bàn huyện Trần Văn Thời có 81 tuyến bị sạt lở, sụt lún, với tổng chiều dài trên 6, 7 km. Nghiêm trọng nhất là ở xã Khánh Bình Tây có 9 tuyến, Khánh Bình Đông 13 tuyến, Khánh Hải 14 tuyến, Khánh Hưng 8 tuyến, Trần Hợi 7 tuyến, Khánh Bình 11 tuyến, Khánh Lộc 8 tuyến và thị trấn Trần Văn Thời 5 tuyến.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn cũng như người dân địa phương, nguyên nhân diễn ra tình trạng trên được cho là do khô hạn kéo dài khiến lượng nước trên các kênh khô cạn. Đặc biệt, thời gian gần đây mực nước ở ruộng đồng khô hạn, người dân đồng loạt bơm nước vào nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp, từ đó khiến tình hình sụp lún thêm nặng nề. Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh nhận định, nếu mùa khô kéo dài theo đúng dự báo là đến hết tháng 4, tình hình sụp lún trên địa bàn huyện sẽ còn diễn biễn khó lường hơn, mức độ thiệt hại vô cùng lớn.

Nước ngọt khan hiếm

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng khác, tình trạng khô hạn gay gắt như hiện nay đẩy hơn hàng chục ngàn hộ dân trước nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và ăn uống. Thiếu nước ngọt là câu chuyện vô cùng đáng lo ngại bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân.

“Khát nước ngọt vào mùa khô” là câu chuyện diễn ra khá nhiều năm và ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Dù đã nỗ lực với nhiều giải pháp, nhiều nguồn vốn đầu tư nhưng nỗi lo người dân "khát" vào mùa khô vẫn chưa thể chấm dứt khi nhiều nơi chưa khoan được giếng; Chưa xây dựng được công trình cấp nước tập trung; Chưa sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước được đầu tư trước đó.

Thời gian qua, dù nguồn kinh phí khó khăn nhưng tỉnh đã tranh thủ từ rất nhiều nguồn đầu tư đến 240 công trình cấp nước phục vụ người dân. Và nỗ lực này giúp hơn 90,56% cư dân vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, một thực tế cần được nhìn nhận là hiện nay vẫn còn khá đông người dân vùng nông thôn đang trong tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất và câu chuyện này đang tái diễn tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến thời điểm này đã có 3.568 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt do bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Dự báo đến hết mùa khô năm 2020, số hộ dân bị thiếu nước ngọt sẽ tăng lên trên 13.500 hộ và diễn ra ở tất cả các huyện cũng như trên địa bàn TP Cà Mau.

Ở một khía cạnh khác, dù đã có hơn 240 công trình cấp nước tập trung, nhưng nhiều công trình đến nay xuống cấp, hư hỏng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời là một trong số đó. Dù đa phần người dân đã sử dụng nước nối mạng nhưng khối lượng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Một trong những khu vực đang khó khăn về nước của xã là Ấp 1. Theo Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc Bùi Chí Ngạn, để đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, người dân ở đây phải chia ca nhau lấy nước, tức một số hộ này sử dụng thì một số hộ khác phải ngưng.

Câu chuyện thiếu nước ngọt sinh hoạt, thiếu nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng hiện nay đang là thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Mặc dù hiện nay mực nước trên các tuyến kênh trong lâm phần vẫn đảm bảo phục vụ công tác chữa cháy, nhưng đang xuống rất nhanh và cảnh báo cháy đang ở mức cao. Ông Ngạn cho biết thêm, hiện nay toàn bộ 580 ha rừng do xã quản lý đã ở mức báo cháy cấp IV, nguy cơ cháy cao và thiếu nước chữa cháy.

Theo cảnh báo, tình hình hạn hán, xâm mặn năm nay sẽ khốc liệt hơn cả mùa khô 2015-2016 và thiệt hại sẽ nặng nề hơn. Cảnh báo này ngày càng dần hiện thực khi mức độ, phạm vi thiệt hại ngày một lan rộng ở tất cả các mặt, từ sản xuất đến đời sống người dân.

 

message zalo